Huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ là địa phương có nhiều thế hệ đồng bào Khmer sinh sống. Tuy nhiên, phần lớn thế hệ trẻ Khmer nơi đây chỉ biết nói tiếng Khmer mà không biết viết, đọc tiếng mẹ đẻ.
Ở Thới Xuân, muốn học chữ Khmer, các cháu phải đến chùa nhưng đường đến đó rất xa. Vì thế, các Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số), những người thông thạo tiếng Khmer và chữ viết họp bàn mở lớp truyền dạy chữ viết Khmer cho con cháu.
Lớp học đọc, viết tiếng Khmer tại nhà bà Danh Thị Hiền, ấp Thới Trường 1 được mở vào mùa hè năm trước. Mùa hè năm nay, lớp có 27 em trong độ tuổi từ 8 - 14 đến học. Lớp do các ông Thạch Diễm và Danh Hở - những người có kinh nghiệm dạy chữ Khmer tình nguyện thay nhau giảng dạy.
Trừ ngày 30, mồng 1 mỗi tháng, buổi sáng các ngày còn lại, nhà bà Danh Thị Hiền rộn ràng âm thanh các em nhỏ học đọc chữ Khmer.
Chúng tôi tới thăm lớp học vào ngày ông Thạch Diễm, 60 tuổi đứng lớp. Dù lớn tuổi và bận việc đồng áng nhưng ông Thạch Diễm vẫn sắp xếp thời gian, mỗi tháng 2 tuần đến lớp dạy đọc, viết cho lớp trẻ.
Theo ông Thạch Diễm, con em người Khmer ở ấp đa phần đều nói thạo tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer) nhưng không biết chữ, biết viết.
"Tôi đã có kinh nghiệm dạy chữ cho sư sãi nên được sự tin tưởng của mọi người. Mặc dù cũng bận đi làm ruộng nhưng tôi cố gắng sắp xếp đóng góp chút công sức để truyền dạy chữ Khmer cho các con cháu", ông Thạch Diễm chia sẻ.
Mùa hè này là năm đầu tiên, các cháu người Khmer ở ấp Thới Trường 2 được tiếp cận cách đọc, viết chữ Khmer. Lớp học được mở nhằm hiện thực mong mỏi của người đi trước không muốn chữ viết Khmer bị mai một. Vì thế, dù bị bệnh tai biến nhưng là người biết dạy chữ Khmer nên ông Thạch Hoàng Anh vẫn tình nguyện cùng ông Thạch Sung chỉ dạy cho con em đồng bào mình.
Đôi tay run run vì di chứng tai biến, ông Thạch Hoàng Anh cầm bút nắn nót viết từng chữ cái lên bảng để các cháu viết theo. Các cháu viết xong, ông dạy cách đọc chữ. Trong lúc ông Hoàng Anh đứng trên bảng viết chữ cái, ông Thạch Sung đi đến từng bàn kiểm tra, hướng dẫn các cháu viết chưa đúng.
Lớp học của hai ông cứ thế kéo dài gần hết mùa hè. Các cháu cũng biết viết, biết đọc bảng chữ cái Khmer.
Nặng lòng với chữ viết Khmer, ông Thạch Hoàng Anh cho biết, trong cộng đồng Khmer ở ấp có 10 người thì chỉ có một người biết đọc chữ của đồng bào. Bản thân ông cũng cảm thấy chữ Khmer sau này có nguy cơ bị mai một. Chính vì lẽ đó, ông cố gắng truyền đạt lại cho thế hệ sau biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ mình.
Đó cũng là lý do bà Danh Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Trường 1 cùng chồng bàn tính cho mượn nhà, góp gỗ, góp công đóng bàn ghế mở lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào mình. Thế hệ trẻ sẽ là người kế thừa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer. Sau này, vợ chồng bà Hiền mất đi, con cháu nối tiếp nhau giữ gìn chữ viết, tiếng mẹ đẻ của mình.
Tinh thần gìn giữ chữ Khmer của thế hệ đi trước được lan tỏa, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer. Dịp hè năm 2024, ở Cờ Đỏ có 3 lớp dạy chữ Khmer (mỗi lớp có 30 học sinh), trong đó, có 2 lớp được mở tại nhà người dân.
Theo ông Trần Tuấn Kiệt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cờ Đỏ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại các điểm chùa, tại nhà thành viên Ban quản trị chùa trên địa bàn huyện luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử về tinh thần cũng như hỗ trợ vật chất, kinh phí.
Lớp học chữ Khmer ở Thới Trường 1 được duy trì trong 2 mùa hè qua hay lớp học ở Thới Trường 2 được mở trong mùa hè này là nhờ sự chung tay của nhiều đơn vị, cá nhân đóng góp.
Để có đủ bàn ghế cho gần 30 học sinh ngồi học, ngoài đóng góp của vợ chồng ông Đào Hoa, bà Danh Thị Hiền, ấp Thới Trường 1, còn có nhà hảo tâm, nhà chùa quyên góp hỗ trợ.
Ông Thạch Sung, ấp Thới Trường 2 cho biết, lớp học được như hôm nay cũng nhờ Hội đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ tặng sách Khmer ngữ để giảng dạy, người dân cho mượn nhà mở lớp. Trường Tiểu học Thới Xuân tạo điều kiện cho mượn bàn ghế học trong mùa hè. Dụng cụ học tập (bút, vở, cặp) được nhà hảo tâm hỗ trợ để con em yên tâm học tập tốt hơn.
Niềm vui học tập hay sự tiến bộ trong đọc chữ, viết chữ Khmer của học sinh chính là trái ngọt cho sự nỗ lực của những người đã dày công xây dựng nên lớp dạy học chữ Khmer.
Yêu thích học chữ Khmer, em Lương Thị Xuân Nguyên, ấp Thới Trường 1 bộc bạch, em chỉ biết tiếng Khmer chứ không biết viết chữ. Tham gia lớp học, em đã biết đọc và viết chữ Khmer. Em mong lớp học sẽ được mở vào mỗi mùa hè để em và các bạn được học đọc, viết tiếng mẹ đẻ.
Dẫu lớp học đọc, viết tiếng Khmer chỉ mở khoảng 2 tháng hè mỗi năm nhưng đó là cách thế hệ trước ở vùng đất Thới Xuân truyền dạy chữ Khmer, giữ gìn ngôn ngữ của đồng bào mình cho thế hệ sau.
Thu Hiền