Ngày 12/6, tại Hội nghị sơ kết Chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2019-2022, Ban Chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình này đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện chương trình; bố trí nguồn ngân sách phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, huy động thêm nguồn lực từ xã hội hóa.
Trà Vinh sẽ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chủ thể trong quá trình xây dựng, nâng cấp sản phẩm, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị.
Để nâng chất sản phẩm OCOP, địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ máy móc, thiết bị, phục vụ sản xuất tạo sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các điểm bán sản phẩm OCOP, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỉnh tích cực hướng dẫn, hỗ trợ những chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kết nối sản phẩm OCOP toàn quốc... Đồng thời xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình; các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm đào tào, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Đối với việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, tỉnh thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; đảm bảo các tiêu chí về quy mô, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Giai đoạn 2019-2022, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân trên 11,5 tỷ đồng để phát triển các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể; trong đó, 137 sản phẩm đạt 3 sao, 38 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh cho biết, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững... Qua gần 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tất các các chủ thể sau khi đạt sản phẩm OCOP đều tăng bình quân từ 10% -30% về sản lượng và doanh thu; thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt OCOP; tất cả các sản phẩm OCOP đều được tham gia xúc tiến thương mại, tham gia sàn thương mại điện tử, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với 22 xã trong tỉnh chưa có sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện yêu cầu những địa phương này đến cuối năm 2023 phải có sản phẩm OCOP.
Dịp này, 25 tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2022 được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Thanh Hòa