Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là dân tộc Khmer. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 302 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 45 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách trên 221 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn huy động hợp pháp.
Theo đó, tỉnh thực hiện 10 dự án với nhiều tiểu dự án gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ dân tộc thiểu số, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, tỉnh thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xây dựng mới 1 chợ tại huyện Cầu Kè; cải tạo, nâng cấp 4 chợ ở huyện Cầu Ngang và một chợ ở huyện Cầu Kè).
Tỉnh đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường Phổ thông Dân tộc nội trú; cải tạo Nhà văn hóa - Khu thể thao đã xuống cấp thuộc vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo 7 bác sĩ chuyên khoa I và 4 cử nhân điều dưỡng cho Trung tâm Y tế cấp huyện; hỗ trợ đào tạo y học gia đình cho 5 bác sĩ chuyên khoa I cho nhân viên trạm y tế cấp xã…
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân trên 61 tỷ đồng để thực hiện Chương trình này. Kết quả, tỉnh đã hỗ trợ 212 hộ Khmer chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 294 hộ. Đồng thời nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa 31 km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2022, tỉnh đã đưa 2/2 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (Ngãi Xuyên và Hàm Giang, huyện Trà Cú); đưa 2/10 ấp xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (ấp ÔkaĐa xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và ấp Trà Cú C, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú).
Trong năm, tỉnh đã giảm được 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương giảm 2.218 hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ này nhưng chưa đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 là 3%/năm. Nguyên nhân là số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2022 là 6.581 hộ, chiếm 3,91% so với tổng số hộ dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3% hàng năm tỉnh khó thực hiện đạt.
Năm 2023, Trà Vinh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và tiếp tục đưa 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thanh Hòa