Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa công bố dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp chống, dịch theo quy định tại Điều 27 của Luật Thú y; các chỉ đạo của Trung ương của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, các địa phương bố trí nguồn lực để thực hiện các biện pháp cấp bách bao vây vùng dịch trên địa bàn, nhanh chóng khống chế dập dịch, hạn chế thấp nhất lây lan ra vùng lân cận; xử lý trâu, bò bệnh chết theo quy định; thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh động vật gây ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai phòng, chống dịch; tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; đảm bảo sử dụng nguồn lực (đặc biệt là kinh phí) đúng theo quy định của pháp luật, đạt mục tiêu, hiệu quả; đồng thời, tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh, khi đủ điều kiện theo quy định.
Bệnh viêm da nổi cục trên bò phát sinh lần đầu tiên ở Trà Vinh vào ngày 6/8/2021, tại xã Tân Hiệp và Long Hiệp, huyện Trà Cú. Đến nay, bệnh đã lây lan sang 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, gồm các huyện: Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải.
Tổng số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh gần 600 con trong số tổng đàn hơn 2.000 con của 320 hộ. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 15 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh. Đơn vị đã thành lập Tổ kỹ thuật hỗ trợ phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên bò, với 36 thành viên là công chức, viên chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh này. Ngành cũng vận động hộ chăn nuôi tiêu hủy bò bị bệnh theo quy định, tránh dịch bệnh lây lan, phát tán ra diện rộng; cấp phát tài liệu tuyên truyền về bệnh viêm da nổi cục, các biện pháp phòng, chống đến các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cấp phát gần 3.000 lít thuốc sát trùng để các địa phương tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
Hiện nay, để phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò thì việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp chủ động và hữu hiệu nhất. Ngành nông nghiệp đã cấp phát gần 100.000 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cho các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ đã tiêm phòng bệnh này cho hơn 73.000 con bò.
Tỉnh Trà Vinh có tổng đàn trâu, bò trên 220.000 con; trong đó, khoảng 200.000 con trong diện phải tiêm phòng viêm da nổi cục. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục để hạn chế thiệt hại.
Thanh Hòa