Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng các thầy cô giáo đại diện cho các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của 49 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, toàn quốc có 315 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 109 nghìn học sinh nội trú. Chất lượng giáo dục của các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ngày càng được nâng cao, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông liên tục tăng qua từng năm học. Số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ học sinh học tiếp lên trường nội trú Trung học phổ thông đạt 15,6%. Đối với cấp Trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt từ 95 - 98%; đỗ vào cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ trung bình trong 5 năm từ 2012 – 2017 là 32%. Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã thảo luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến về việc thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; việc bồi dưỡng cho học sinh về kiến thức pháp luật - xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những kết quả đạt được của các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trong 10 năm qua. Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát, quy hoạch, hoàn thiện Trường Phổ thông Dân tộc nội trú phù hợp với đặc điểm của vùng, địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội. Các trường phải quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu để tránh lãng phí và đào tạo không đúng đối tượng, kém hiệu quả. Ưu tiên tuyển sinh học sinh các dân tộc rất ít người và dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp; chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh nội trú; nghiên cứu để mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập; tăng cường công tác xã hội hóa cho giáo dục dân tộc, đảm bảo tính công bằng giữa các dân tộc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đối với những ý kiến, kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ tiếp thu và giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho công tác giáo dục dân tộc của các địa phương. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy: Thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học và giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên, tỉnh Yên Bái rất quan tâm đến phát triển công tác giáo dục trong vùng dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú (có 7/9 trường đạt chuẩn Quốc gia) với quy mô 88 lớp, trên 2.900 học sinh. Ngoài ra, có 53 trường phổ thông dân tộc bán trú, 52 trường phổ thông có học sinh bán trú với quy mô khoảng 24 nghìn học sinh được hưởng chế độ bán trú.
Tuấn Anh