Tối 3/11, tại Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Bế mạc Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022, sau 2 ngày diễn ra. Đây là một hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909–4/11/2022) và 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831– 4/11/2022).
Trên 250 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ 11 huyện, thành phố về dự Liên hoan và mang đến 24 tiết mục trình diễn trang phục truyền thống; 36 tiết mục văn nghệ dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc).
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết, Liên hoan nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" theo Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 3/7/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn, lồng ghép với việc triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2030".
Liên hoan là một hình thức để tuyên truyền giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh, đồng thời, tôn vinh giá trị văn hóa, vẻ đẹp của trang phục truyền thống, làn điệu dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, các chủ thể văn hóa, diễn viên quần chúng được thực hành, trình diễn, quảng bá và giới thiệu về hình ảnh, vùng đất, con người Xứ Lạng nói chung; đặc trưng, bản sắc, nét đẹp các loại hình trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tới nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Xứ Lạng không chỉ được biết đến là một vùng đất phên dậu, thành trì quan trọng của Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, mà còn tự hào là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống với hơn 84% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Góp phần làm phong phú cho bức tranh văn hóa đa sắc màu đó là loại hình trang phục truyền thống và các làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Sán Chay, Mông.
Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.
Song hành cùng với loại hình di sản văn hóa vật thể đó, người dân Xứ Lạng cũng đã sớm xây dựng được đời sống văn hóa tinh thần phong phú, trong đó phải kể đến các làn điệu dân ca mượt mà, tha thiết. Với tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, người Xứ Lạng đã sáng tạo nên những câu ca thắm đượm nghĩa tình và tràn đầy tinh thần dân tộc.
Những câu ca ấy theo chân người Xứ Lạng trong mọi chặng đường của cuộc đời. Người Xứ Lạng sinh ra trong tiếng “ứ noọng” của bà, của mẹ; lớn lên trong từng câu hát đồng dao trong những buổi chăn trâu cắt cỏ; yêu thương nhau từ câu sli, câu lượn và trở về với tiên tổ trong tiếng tính lời then. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những làn điệu dân ca đó đã trở thành tài sản vô giá, nó không chỉ có giá trị nghệ thuật, âm nhạc dân tộc, mà còn có sứ mệnh lớn lao khi phản ánh tâm tư, tình cảm, những nét văn hóa đặc sắc của người dân Xứ Lạng và đồng hành với đất nước trong những cuộc trường chinh lịch sử và sự nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.
Với nhiều nội dung, thể loại phong phú, đa dạng, sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật và trình diễn của các diễn viên trên sân khấu, các đoàn mang đến Liên hoan một bức tranh nghệ thuật sinh động, hấp dẫn và đầy cảm xúc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn mong rằng, mỗi nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan hôm nay cũng sẽ là những đại sứ văn hóa truyền đi thông điệp: Lạng Sơn là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hòa trong cảnh sắc thiên nhiên đa dạng; là điểm đến cho du khách trải nghiệm những giá trị khác biệt.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa, Trưởng ban giám khảo đánh giá, về trình diễn trang phục dân tộc, hầu hết các huyện đã lựa chọn những bộ trang phục của các dân tộc đặc trưng, tiêu biểu của địa phương để trình diễn tại Liên hoan. Các bộ trang phục đều đảm bảo tính truyền thống, nguyên gốc, đủ các phụ kiện đi kèm; đúng với ngữ cảnh, phong tục tập quán, lễ nghi của từng dân tộc. Phong cách trình diễn của các nghệ nhân, diễn viên khá tự nhiên, duyên dáng, thể hiện được cái mộc mạc, chân tình của người dân tộc Xứ Lạng.
Về phần thi hát dân ca, đa số các Đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương đất nước, con người Lạng Sơn; phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, mang đến Liên hoan nhiều loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc của địa phương mình, như hát then, sli, lượn, hát ví, cò lảu, phong slư, pả dung, slắng cọ, hát văn, quan họ; kèn pí lè, múa nghi lễ..., bao gồm các thể loại hát đơn, hát tốp có múa phụ họa, trình diễn nhạc cụ dân tộc. Số tiết mục tự biên, tự diễn khá nhiều, qua đó phản ánh được sắc thái văn hóa của từng địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn hy vọng rằng, qua Liên hoan này, phong trào sử dụng trang phục dân tộc và hát dân ca sẽ được lan tỏa trên khắp các địa bàn toàn tỉnh; góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Xứ Lạng; đồng thời góp phần phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân ngày càng lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
Bế mạc Liên hoan, Ban giám khảo và Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 1 giải đặc biệt; 4 giải A; 7 giải B; 11 giải C và 18 giải khuyến khích cho 2 nội dung trình diễn trang phục dân tộc và hát dân ca.
Thí sinh Hoàng Thị Hoàng, đoàn huyện Văn Lãng chia sẻ, mình rất vui và tự hào khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày tham gia Liên hoan. Đây là bộ trang phục thiếu nữ dân tộc Tày, xã Hội Hoan khi đi làm dâu.
Bộ trang phục đã được truyền lại qua 3 thế hệ: Bà nội từ thời con gái đã tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm rồi cắt vải khâu tay làm bộ trang phục khi bà đi lấy chồng. Sau khi có con dâu, bà đã mang bộ trang phục cưới của mình tặng cho con dâu với mong muốn con dâu nhận chiếc áo tự tay mẹ chồng tặng sẽ một đời hạnh phúc, bình an và bây giờ khi con gái đi lấy chồng, mẹ lại tặng cho cô gái với mong muốn con gái luôn mạnh khỏe, hạnh phúc ...
Với ý nghĩa của bộ trang phục như thế, thế hệ trẻ như mình dù đang sống trong thời hiện đại với nhiều sự lựa chọn về trang phục nhưng vẫn tiếp tục lưu giữ nét đẹp trang phục dân tộc mình bằng cách mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ, ngày hội, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương.
Anh Tuấn