Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất diễn ra tối 13/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu và các nhà báo văn hóa trên cả nước.
94 tác phẩm giành giải thưởng báo chí về văn hóa
Theo Ban tổ chức giải, con số gần 1.100 tác phẩm tham dự ngay trong lần đầu tiên tổ chức đã cho thấy thành công lớn của một giải báo chí chuyên ngành. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Kết quả, trong số 131 tác phẩm được Hội đồng sơ khảo lựa chọn, Hội đồng chung khảo đã trao 94 giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm chất lượng. Trong đó có 4 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba, 50 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 3 giải tập thể cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải và đoạt kết quả cao.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải khẳng định: Các tác phẩm đã đề cập kịp thời, sáng tạo, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Trong đó, có nhiều vấn đề nổi bật như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943; tinh thần lan tỏa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chấn hưng văn hóa Việt Nam; bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; khai mở tiềm năng, hiến kế phát triển du lịch; giải pháp, chính sách đầu tư cho thể thao...
Ở loại hình báo in, nhiều tác phẩm công phu, phát hiện vấn đề mới, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, thể hiện khá sinh động. Một số chủ đề, đề tài không mới nhưng góc nhìn mới mẻ, bám sát thực tiễn, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể. Nhiều tác phẩm đã nêu được các giải pháp, dự báo những vấn đề nảy sinh, nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận.
Báo điện tử có số lượng tác phẩm tham gia dự thi lớn thứ hai. Nhiều tác phẩm đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện đặc trưng, thế mạnh của loại hình. Tuy nhiên, phần lớn tác phẩm tập trung khai thác các đề tài về phát triển văn hóa, bảo tồn di sản theo hướng vĩ mô, thiếu những góc nhìn cụ thể, hiện đại, những cách làm phá cách. Một số vấn đề thách thức đối với văn hóa và những giá trị truyền thống chưa được nhận diện hoặc nhận diện chưa sâu. Các tác phẩm dự thi về đề tài du lịch, thể thao còn ít. Nhiều tác phẩm truyền hình được khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng tuyên truyền. Nhiều tác phẩm phát thanh được đầu tư công phu, chuyên nghiệp, thu hút khán giả...
Ảnh báo chí ghi nhận số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao so với các giải báo chí bộ, ngành khác. Đề tài khá đa dạng, phản ánh nhiều mặt, nhiều góc cạnh của đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Hầu hết tác phẩm dự giải là phóng sự ảnh, thể hiện được sự tìm tòi, cần mẫn của tác giả về đề tài, đầu tư công phu về ý tưởng và cách thức thể hiện.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận định, lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực sự đã mang đến những bất ngờ bởi sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo trong toàn quốc. Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, hiếm thấy một giải báo chí chuyên ngành nào lại có sức hút rộng rãi đến vậy, với gần 1.100 tác phẩm dự giải, từ các cơ quan báo chí trong toàn quốc, bao gồm các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương cũng như các cơ quan báo chí ở các địa phương; vùng sâu, vùng xa...
Các tác phẩm dự giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt. Qua hai vòng chấm, Hội đồng giám khảo cho rằng, các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022-2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Đặc biệt, nhiều sự kiện, nhân vật... ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã được các nhà báo quan tâm, phản ánh. Điều đó cho thấy lao động báo chí của các nhà báo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch rất đáng ghi nhận.
Tiếp tục sáng tạo tác phẩm báo chí về văn hóa
Có mặt tại lễ trao giải, chị Vũ Lệ Huyền, phóng viên Báo Quân đội nhân dân chia sẻ, chị và các đồng nghiệp rất vui khi vinh dự được nhận giải Nhất loại hình báo điện tử trong cuộc thi lần này. Chị Vũ Lệ Huyền cho biết, loạt 4 bài "Các hệ giá trị Việt Nam - "ngọc" càng mài càng sáng" của nhóm tác giả Vũ Lệ Huyền, Phạm Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thảo, Tô Minh Ngọc, Trần Thị Yến được trình bày theo thể loại báo chí longform. Các bài viết trong loạt bài này đã nêu rõ vai trò của hệ giá trị quốc gia là phản ánh sức mạnh, bản sắc quốc gia, thể hiện ý chí, lý tưởng của cộng đồng các dân tộc, có vai trò định hướng tương lai đối với hoạt động của con người, trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Là những nhà báo, chiến sỹ, đang công tác tại Báo Quân đội nhân dân, tôi và các đồng nghiệp của mình sẽ luôn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của nước nhà”, chị Vũ Lệ Huyền bày tỏ.
Phóng viên Tiểu Tân, đại diện nhóm phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng bày tỏ sự vui mừng khi giành giải Ba loạt bài “Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản”. Phóng viên Tiểu Tân chia sẻ, được nhận giải thưởng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ nhất là vinh dự đối với nhóm phóng viên. Điều này một lần nữa thể hiện loạt bài có ý nghĩa, được đánh giá cao, nhận được sự quan tâm từ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chức năng, nghệ sỹ, người làm báo và bạn đọc.
Theo phóng viên Tiểu Tân, giải báo chí chuyên ngành ý nghĩa này tạo điều kiện cho các biên tập viên, phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật có thêm động lực tiếp tục cần mẫn tìm tòi, tư duy, đào sâu lĩnh vực; đầu tư nghiêm túc, công phu cả về nội dung lẫn hình thức, cách thể hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Với mảnh đất rộng lớn về văn hóa, thể thao, du lịch, phóng viên có điều kiện khai thác chất liệu đa lĩnh vực, những chủ đề thời sự, gai góc…
Ở cuộc thi lần này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giành được 9 giải thưởng, trong đó có 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Cụ thể, 5 giải Ba thuộc về các tác phẩm: Loạt 4 bài: Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam, của tác giả Minh Thu, Báo điện tử VietnamPlus; Phóng sự ảnh: Độc đáo hội thổi cơm thi làng Thị Cấm Xuân Quý Mão 2023 và phóng sự ảnh: Vô địch SEA Game 32, bóng đá nữ lập kỷ lục cho Thể thao Việt Nam cùng của tác giả Bùi Cương Quyết (Minh Quyết). Phóng sự ảnh: Về Buôn Đôn dự hội thi voi với đồng bào Ê Đê của tác giả Phan Nhật Anh; Phóng sự ảnh: Ấn tượng lễ tế Tổ bách nghệ ở Huế của tác giả Trần Thanh Giang, Đặng Thanh Hòa.
Bốn giải Khuyến khích thuộc về các tác phẩm: "Những giai điệu vô tận" trong thi ca Việt Nam của tác giả Trần Khánh An, Báo Việt Nam News Cuối tuần; Loạt 5 bài: Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng của tác giả Đinh Thị Thuận, Nguyễn Minh Nghĩa; Phóng sự ảnh: Hà Nội rộn ràng không khí "Tết Việt - Tết phố 2023" của tác giả Lê Thanh Tùng; tác phẩm: Bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hóa của nhóm tác giả Trần Thị Thu Huyền, Đinh Nghĩa Thương, Đào Kiên Trung, Nguyễn Thuý Ngọc, Truyền hình Thông tấn.
Chia sẻ tại lễ trao giải thưởng, nhà báo Phan Nhật Anh (TTXVN) cho biết, anh rất vui khi vinh dự nhận giải Ba. Với tư cách là một phóng viên ảnh của TTXVN theo dõi mảng văn hóa, du lịch trong nhiều năm, nhà báo Nhật Anh luôn quan tâm, thực hiện nhiều chuyên đề ảnh sâu về văn hóa, du lịch Việt. Anh đã đi trải nghiệm, khám phá về văn hóa, du lịch ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Nhà báo Phan Nhật Anh cho biết, phóng sự ảnh “Về Buôn Đôn dự hội thi voi với đồng bào Ê Đê” được Ban tổ chức trao giải thưởng lần này được anh thực hiện trong chuyến đi Đắk Lắk, đúng dịp diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột vào tháng 3/2023. Trong chuyến đi này, anh cùng các đồng nghiệp tham dự hội voi ở huyện Buôn Đôn. So với những lễ hội lần trước, hội voi năm nay không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng tới phúc lợi của voi như đã cam kết với Tổ chức động vật châu Á. Đồng thời, tác phẩm cũng thực hiện chủ trương của tỉnh Đắk Lắk về lộ trình dẹp bỏ du lịch cưỡi voi để bảo tồn đàn voi nhà, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện. Khách du lịch thay vì cưỡi voi có thể chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi, tìm hiểu về voi nhà...
“Khi được cùng du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch voi thân thiện, tôi đặc biệt ấn tượng với màu sắc khác biệt của hội voi năm nay, nên đã ghi lại nhiều hình ảnh về các hoạt động tại hội voi. Tôi rất vui khi thấy các tác phẩm của mình được Ban tổ chức giải đánh giá cao và trao tặng giải thưởng. Đây là một kỷ niệm đẹp – là dấu mốc đáng nhớ và là sự ghi nhận đáng khích lệ đối với một phóng viên có nhiều năm theo dõi về văn hóa, du lịch như tôi”, nhà báo Nguyễn Nhật Anh chia sẻ.
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tiên đã “về đích”. Những tác phẩm báo chí được trao giải có thể xem như một động lực để các nhà báo tiếp tục trăn trở, đầu tư, cho ra đời những tác phẩm báo chí xuất sắc về lĩnh vực này, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước, đồng thời có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham gia những mùa giải sau.
Phương Hà