Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tối 21/6, hàng trăm nhà báo từ khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội dự Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022 - giải thưởng cao quý nhất tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2022.

Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Gương mặt những tác giả nhận giải ánh lên niềm vui hân hoan, xen lẫn tự hào khi được đứng trên bục vinh quang, đón nhận giải thưởng cao quý, nhận “trái ngọt” do chính mình và đồng nghiệp cùng chung tay góp sức sáng tạo nên.

Tôn vinh 123 tác phẩm báo chí tiêu biểu

Theo đánh giá của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2022, trong số 157 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 123 tác phẩm xuất sắc để trao Giải, trong đó có 8 Giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích.

Vui mừng, xúc động khi nhận giải A giải thưởng Báo chí Quốc gia 2022 ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử), Nhà báo Võ Mạnh Hùng đại diện nhóm tác giả Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết, anh đã dành thời gian gần 6 năm để theo đuổi triển khai loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” với hy vọng để không xảy ra một Formosa thứ hai.

Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp ảnh 2Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho đại diện nhóm tác giả Báo điện tử VietnamPlus thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, đây là loạt bài mà anh đã dành rất nhiều tâm sức, tốn thời gian, buồn và lo lắng nhất. Trong quá trình triển khai loạt bài, anh trực tiếp lên ý tưởng, xây dựng đề cương, kế hoạch đi điều tra, tìm hiểu thực tế tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Để có thông tin, anh đã phải nhập rất nhiều vai khác nhau, lúc xin làm công nhân tại khu công nghiệp/nhà máy, phu đá; lúc trong vai người đi mua quặng, than; khi là sinh viên nghiên cứu địa chất... để tạo được niềm tin của các ông chủ doanh nghiệp, hay chủ mỏ khoáng sản… Có nơi, khi mới nhắc đến hay dò hỏi, anh đã nhận được những lời cảnh báo có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện, rồi những khó khăn khi bị chính lãnh đạo các cơ quan quản lý cấp cơ sở tạo áp lực…

Vượt qua tất cả những trở ngại trong quá trình tác nghiệp, đầu tháng 12/2022, Nhà báo Võ Mạnh Hùng đề xuất với lãnh đạo phòng và lãnh đạo Báo cử thêm hai phóng viên chuyên về ảnh Hoài Nam và video Hoàng Đạt cùng với anh trở lại một số “điểm nóng” bay flycam, để có thêm những thước phim mới và toàn cảnh nhất. Trở về sau chuyến thực tế, anh nhanh chóng hoàn thiện loạt bài và chuyển cho đồng nghiệp dựng thành bài Mega Story để kịp thời đăng tải trên Báo Điện tử VietnamPlus vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2022.

Sau khi loạt bài đăng trên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, trên cơ sở đó đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm. Nhiều lá đơn, tâm thư kêu cứu của người dân đã và đang được các cơ quan chức năng giải quyết! Nhà báo Võ Mạnh Hùng cho biết, nhiều thông tin phóng viên cung cấp trong quá trình triển khai đề tài này, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận và nghiên cứu, tiếp thu sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022).

“Niềm vui của chúng tôi càng nhân lên khi loạt bài được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022. Với cá nhân tôi, đây là niềm hạnh phúc cũng là động lực rất lớn để bản thân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cống hiến, phát huy bản lĩnh của người cầm bút TTXVN trong cuộc chiến không tiếng súng ngày hôm nay”, Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.

Phá “bẫy” và lời cảnh tỉnh

Đạt giải A ở thể loại Phim tài liệu truyền hình, bộ phim tài liệu “Bẫy” về vấn nạn buôn người sang Campuchia (của Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam) được phát sóng lần đầu ngày 24/12/2022 đã tạo tiếng vang lớn. Đằng sau những thước phim sống động, ấn tượng, đầy ám ảnh là trăn trở của người làm báo về số phận nạn nhân.

Phóng viên Nguyễn Hồ Trí chia sẻ, đầu năm 2022, khi có thông tin nhiều lao động Việt Nam mất tích, qua đời bí ẩn tại Campuchia, anh và phóng viên Vũ Hồng Anh có ý định sản xuất vệt phóng sự ngắn liên quan đến việc đưa người trái phép sang nước bạn. Từ những đầu mối nhân vật, sự thật kinh hoàng về lừa đảo việc làm, buôn người, cờ bạc trực tuyến, tra tấn dã man nạn nhân, những cái chết tức tưởi và bi thảm dần được sáng tỏ.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra, nhóm nhà báo đã vào các vai khác nhau, thâm nhập sào huyệt tội phạm, tìm hiểu quy luật canh gác bảo vệ, vẽ ra sơ đồ trốn thoát. Phim có những hình ảnh sống động từ nơi các nạn nhân làm việc lừa đảo trực tuyến, bị biệt giam… là do Nhà báo Nguyễn Hồ Trí thực hiện khi đóng vai nạn nhân. Một số cảnh quay nạn nhân đang bện dây từ vỏ chăn trốn thoát là những thước phim do chính nạn nhân quay bằng điện thoại di động dưới sự hướng dẫn từ xa của Nhà báo Nguyễn Hồ Trí. Đặc biệt, phim có cảnh quay trong bóng tối với lời thoại của chính Nhà báo Nguyễn Hồ Trí dẫn đường một số nạn nhân trốn thoát thành công.

Bày tỏ niềm vui khi nhận giải A, Giải thưởng Báo chí Quốc gia năm 2022, Nhà báo Nguyễn Hồ Trí, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Khi quyết định thực hiện tác phẩm, chúng tôi không xác định làm để dự thi, mà đơn giản, chúng tôi thấy đó là đề tài xứng đáng để làm. Trong quá trình thực hiện, nhiều lúc, chúng tôi muốn bỏ cuộc giữa chừng bởi những thông tin tù mù, nhiều câu chuyện, bối cảnh mà để thu thập được nó là quá sức của mình ở thời điểm đó. Điều này khiến chúng tôi thực sự mệt mỏi. Tuy nhiên, rất nhiều lý do đã dẫn dắt chúng tôi tiếp tục thực hiện.

Sau khi "Bẫy" được phát sóng, nhóm phóng viên cảm thấy tự hào vì tác phẩm có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần cảnh tỉnh các bạn trẻ trước những chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”, nhiều người có ý định vượt biên sang Campuchia làm việc đã chùn chân. Những giọt nước mắt ngày đoàn tụ với người thân của các nạn nhân mà họ tưởng sẽ không bao giờ gặp lại, đủ để các nhà báo cảm thấy công sức 8 tháng thực hiện bộ phim, trải qua bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm được đền đáp.

Nhà báo Nguyễn Hồ Trí chia sẻ: “Tác phẩm được công chúng đón nhận, chúng tôi rất vui. Càng vui hơn khi tác phẩm được trao giải thưởng cao quý dành cho người làm báo. Trong niềm hân hoan khi đón nhận giải thưởng, thay mặt ê kíp thực hiện, tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến những người cùng tham gia thực hiện. Đặc biệt là sự biết ơn đối với các nạn nhân, người nhà nạn nhân - những nhân vật đã dũng cảm đối diện với nguy hiểm, vượt qua trở ngại cả thể xác và tinh thần để hợp tác, hỗ trợ ê kíp hoàn thành bộ phim và có giải thưởng cao quý hôm nay. Giải thưởng này có giá trị tinh thần rất lớn, là động lực cho chúng tôi tiếp tục sáng tạo những tác phẩm báo chí tốt hơn nữa”.

Nốt trầm ảnh báo chí

Cũng như nhiều năm trước, ảnh báo chí vẫn bỏ trống giải A, bởi chưa tìm được tác phẩm thực sự xứng đáng. Ở mùa giải năm nay, thể loại Ảnh báo chí có 6 tác phẩm được trao giải, gồm một giải B, hai giải C và ba giải Khuyến khích.

Theo đánh giá của Hội đồng Giải, năm nay, ảnh báo chí tuy có nhiều tác phẩm tốt hơn năm trước, nhưng qua theo dõi và xử lý thông tin, Hội đồng Giải nhận thấy đó chưa phải là những tác phẩm ảnh báo chí tốt nhất. Chất lượng các tác phẩm không đồng đều, ảnh đơn quá ít và yếu. Dù đã có cơ chế tạo điều kiện cho các tác giả cá nhân có thể tự gửi ảnh dự thi không cần qua cơ quan báo chí, tuy nhiên, thể loại ảnh báo chí vẫn chưa thu hút được sự tham dự của nhiều nhà báo, cơ quan báo chí, đó là điều rất đáng tiếc.

Giải thưởng cao nhất - giải B thể loại ảnh báo chí năm nay thuộc về tác phẩm “Vàng tặc” tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu của nhóm tác giả Nguyễn Văn Oanh (Nguyễn Oanh), Trần Văn Hoàng (Việt Hoàng), Đinh Thị Thùy (Đinh Thùy) - Cơ quan thường trú TTXVN tại Lai Châu, Liên chi hội Nhà báo TTXVN.

Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp ảnh 3Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội trao giải B thể loại Ảnh báo chí cho đại diện nhóm tác giả thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN với tác phẩm "Vàng tặc tàn phá rừng Lai Châu". Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Nhà báo Trần Văn Hoàng, đại diện nhóm phóng viên TTXVN thường trú tại Lai Châu chia sẻ, anh cùng đồng nghiệp vô cùng hạnh phúc khi được nhận giải thưởng cao tại Giải Báo chí Quốc gia 2022.

Trao đổi xung quanh tác phẩm đoạt giải, Nhà báo Trần Văn Hoàng cho biết, sau khi tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin, khoảng tháng 7/2022, nhóm phóng viên họp bàn và thống nhất cải trang thành doanh nghiệp thu mua vàng ở Hà Nội để tiếp cận các bãi vàng. Trong chuyến đi này, nhóm phóng viên tận mắt chứng kiến những cánh rừng tan hoang bởi hoạt động khai thác vàng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, những hình ảnh, thước phim thu được khi ấy chưa đạt kỳ vọng. Nhóm phóng viên quyết định tiếp tục thực hiện một chuyến công tác nữa vào khoảng giữa tháng 8/2022. May mắn lần này thời tiết thuận lợi, các hầm đào vàng hoạt động nhộn nhịp, nhóm phóng viên đã thu hoạch đủ hình ảnh, sau đó làm việc với các cơ quan chức năng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tập hợp tư liệu, xây dựng thành tuyến phóng sự điều tra cho cả 3 loại hình văn bản, ảnh, truyền hình.

Ở phóng sự ảnh “Vàng tặc” tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu, mỗi bức ảnh là một câu chuyện bằng hình ảnh về hoạt động của đội ngũ “vàng tặc” ngang nhiên, thi nhau đào bới tàn phá rừng, hủy hoại môi trường…

Sau khi tác phẩm được đăng tải trên các kênh của TTXVN, UBND tỉnh Lai Châu đã họp khẩn cấp để bàn bạc và xây dựng phương án giải tán bãi vàng trái phép trên địa bàn. Tỉnh huy động hơn 300 người gồm các lực lượng: công an, quân đội, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương, đại diện sở ngành liên quan… và hàng tấn thuốc nổ cùng đồng loạt ra quân đánh sập các cửa hầm ở bãi vàng trái phép; cử tổ công tác của xã canh giữ, kiên quyết không cho các đối tượng “vàng tặc” hoạt động trở lại. “Như vậy, rừng được bảo vệ, người dân có cuộc sống bình yên. Đây là kết quả thể hiện lời tri ân của nhóm tác giả tới bà con dân bản đã đùm bọc, hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp của phóng viên”, đại diện nhóm tác giả chia sẻ.

Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo trong nghề nghiệp ảnh 4Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo TTXVN, đại diện các đơn vị và tác giả đoạt giải thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phần thưởng cho những nỗ lực

Chia sẻ niềm vui khi được nhận giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh), Nhà báo Bùi Thị Thu Hương, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, đại diện nhóm tác giả đạt giải, chia sẻ: Để có được tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương”, ê kíp thực hiện đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức trong việc lựa chọn nhân vật phỏng vấn, biện giải từng vấn đề, từng chi tiết… cố gắng bằng tác phẩm của mình truyền tải đến thính giả những vấn đề mà cán bộ, đảng viên đang rất quan tâm trong thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trong quá trình thực hiện, vì liên quan đến vấn đề kỷ luật nhiều cán bộ Đảng viên từ tỉnh tới cơ sở, ê kíp gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên hệ các nhân vật để phỏng vấn. Nhiều nhân vật ban đầu nhận trả lời, sau lại từ chối khiến ê kíp liên tục phải thảo luận, tìm và liên hệ các nhân vật khác cho phù hợp với nội dung tác phẩm. Ê kíp đã thu trên 50 phỏng vấn các nhân vật khác nhau trong đó, có nhiều nhân vật sinh sống và làm việc ở nhiều địa phương xa xôi trong tỉnh như ở thành phố biên giới Móng Cái, huyện miền núi Tiên Yên hay huyện đảo Cô Tô… khiến việc hoàn thành các nội dung phỏng vấn tốn nhiều thời gian và công sức.

“Rất may trong quá trình thực hiện, ê kíp đã được các đảng viên lão thành quan tâm, hỗ trợ và có những ý kiến góp ý quý báu để tác phẩm hoàn thiện. Ngay sau khi tác phẩm phát sóng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ thính giả. Hôm nay, được nhận giải thưởng cao quý này, chúng tôi vô cùng vui mừng và tự hào, bởi công sức lao động của nhóm được đền đáp xứng đáng”, Nhà báo Bùi Thị Thu Hương xúc động chia sẻ.

Từ những câu chuyện nghề, cho thấy, đằng sau mỗi tác phẩm báo chí đạt giải, là những nhà báo lăn xả, dấn thân với nghề, đương đầu với những khó khăn, thử thách để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự phát triển của xã hội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm