Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 30/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.657 ca mắc mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 3.635 ca ghi nhận trong nước.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.542 ca, Bình Dương 636 ca, Long An 448 ca, Đồng Nai 157 ca, Cần Thơ 151 ca, Khánh Hòa 139 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 133 ca, Hà Nội 81 ca, Đồng Tháp 67 ca, Đà Nẵng 65 ca, Trà Vinh 36 ca, Hậu Giang 28 ca, Phú Yên 23 ca, Bến Tre 18 ca, Bình Thuận 17 ca, An Giang 16 ca, Quảng Nam 13 ca, Bình Phước 12 ca, Ninh Thuận 11 ca, Vĩnh Phúc 9 ca, Đắk Lắk 8 ca, Gia Lai, Quảng Ngãi mỗi địa phương 6 ca, Hà Tĩnh 5 ca, Đắk Nông, Hoà Bình mỗi địa phương 2 ca, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh mỗi địa phương 1 ca; trong đó có 715 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có 4.282 ca, Bình Dương 1.920 ca, Long An 469 ca, Đồng Nai 360 ca, Tiền Giang 242 ca, Khánh Hòa 217 ca, Cần Thơ 174 ca, Đồng Tháp 157 ca, Hà Nội 144 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 133 ca, Bến Tre 97 ca, Tây Ninh 88 ca, Đà Nẵng 65 ca, Phú Yên 40 ca, Trà Vinh 36 ca, Hậu Giang 28 ca, Bình Định 17 ca, Kiên Giang 17 ca, Bình Thuận 17 ca, An Giang 16 ca, Vĩnh Long 15 ca, Quảng Nam 13 ca, Bình Phước 12 ca, Ninh Thuận 11 ca, Vĩnh Phúc 9 ca, Đắk Lắk 8 ca, Hà Tĩnh 7 ca, Gia Lai Quảng Ngãi mỗi địa phương 6 ca, Đắk Nông 4 ca, Thái Nguyên 3 ca, Lạng Sơn, Hòa Bình mỗi địa phương 2 ca, Nam Định, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh mỗi địa phương 1 ca; trong đó có 1.702 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 30/7, Việt Nam có 137.062 ca mắc. trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 134.827 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới kể từ ngày 27/4 đến nay là 133.257 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cả nước có 4 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. 9 địa phương không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Ngày 30/7 có 3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 35.484 ca. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, 411 ca nặng đang điều trị ICU; 21 ca nguy kịch đang điều trị ECMO.
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, từ ngày 16-30/7/2021 tại 9 tỉnh, thành phố có 139 ca tử vong do COVID-19 (từ số 1023-1161).
Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18-30/7: 122 ca; tỉnh Long An từ ngày 22-29/7: 6 ca; tỉnh Khánh Hòa từ ngày 28-29/7: 3 ca; tỉnh Bến Tre từ ngày 28-29/7: 2 ca; tỉnh Bình Dương từ ngày 16-17/7: 2 ca; tỉnh Đồng Nai ngày 29/7: 1 ca; tỉnh Vĩnh Long ngày 29/7: 1 ca; Thành phố Cần Thơ ngày 20/7:1 ca; tỉnh Vĩnh Phúc ngày 30/7: 1 ca.
Trong 24 giờ qua, các cơ sở trong cả nước đã thực hiện 142.274 xét nghiệm cho 371.118 lượt người. Từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 5.853.565 mẫu cho 16.900.185 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.
* Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".
Theo nội dung Đề án, Việt Nam sẽ có 12 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi Trung tâm từ 200-3.000 giường.
Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 300 giường.
Riêng các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.
Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.
Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp.
Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
PV