Bằng ý chí và nghị lực, thời gian qua, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực vượt lên số phận, vươn lên làm kinh tế giỏi và tỏa sáng giữa đời thường.
Anh Phạm Văn Trĩ (44 tuổi, người Hrê, ở thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ) là tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó “tàn nhưng không phế”. Năm 2016, trong một lần đang làm việc, anh bị trượt chân ngã từ trên cao xuống dẫn đến chấn thương cột sống khiến đôi chân bị liệt và ngày càng teo lại. Từ đó, mỗi khi di chuyển trong nhà, anh phải sử dụng đôi tay. Khi ra ngoài, anh phải dùng nạng và gậy.
Anh Trĩ cho biết, thời điểm đó, điều kiện kinh tế gia đình anh rất khó khăn. Vợ anh phải đi làm thuê hàng ngày để lo chi tiêu và thuốc thang cho chồng. Được vợ con động viên, anh quyết định tận dụng diện tích đất vườn của gia đình để mở trang trại.
Ban đầu, anh đầu tư nuôi gà thả vườn; sau đó, nuôi lợn nái, dúi, đào ao thả cá, nuôi vịt và trồng cây ăn quả. Sau gần 5 năm cố gắng, đến nay, anh Trĩ đã có được một trang trại kết hợp vườn - ao - chuồng. Anh Trĩ chia sẻ, thời gian đầu, anh tự làm mọi việc, từ việc ra vườn cắt rau cho gà, lợn, thậm chí là sửa lại ao để nuôi cá. Mô hình đã giúp gia đình anh thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Trĩ còn là một trong những hội viên khuyết tật tiêu biểu trong các phong trào của Hội khuyết tật tại địa phương. Anh được nhiều người trẻ tìm đến tham khảo, học hỏi về kinh nghiệm làm mô hình trang trại. Ông Phạm Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Tiêu cho biết, anh Trĩ không chỉ là gương điển hình về khuyết tật mà còn là tấm gương để những người khỏe mạnh học tập. Địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ anh Trĩ mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Tương tự như anh Trĩ, anh Lê Tuấn Phương (29 tuổi, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) sau khi bị tai nạn giao thông vào năm 2018 đã phải cắt bỏ một chân phải. Từ bình thường trở thành một người tàn tật, đi lại khó khăn, anh Phương càng nghĩ càng chán nản. Tuy nhiên, được sự động viên, cổ vũ từ gia đình, người thân, anh đã nỗ lực vươn lên làm kinh tế, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Anh Phương chia sẻ, năm 2022, vợ chồng anh được chính quyền địa phương hỗ trợ vay 50 triệu đồng để mở cơ sở may gia công tại nhà. Thời gian đầu, anh chị gặp nhiều khó khăn vì chưa quen công việc và không có đơn hàng. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng, đến nay, xưởng gia công của gia đình cũng đã hoạt động ổn định. Ngoài ra, xưởng may gia công của anh Phương còn tạo thêm việc làm cho 5 người khác tại địa phương.
Chị Phạm Thị Quyên (xã Hành Tín Đông) cho biết, trước đây, chị có đi làm cho một công ty may cách nhà gần 20 km nên không có thời gian chăm sóc con. Khi anh Phương mở xưởng may gia công và cần người làm, chị đã về đây xin làm để có thời gian đưa đón con, chăm lo cho gia đình. Giờ thì cuộc sống của gia định chị đã ổn định, con cái học hành tiến bộ.
Những năm qua, Hội Người khuyết tật tỉnh đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho hội viên vượt lên khó khăn trong cuộc sống để phát triển kinh tế; đồng thời, hướng nghiệp, tạo nghề và tập hợp, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở, tổ sản xuất, kinh doanh của hội viên nhằm tương trợ giúp nhau vươn lên, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật và thanh niên nghèo tại địa phương.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để hội viên có nhu cầu được vay vốn sản xuất, kinh doanh; đào tạo và tìm việc làm cho người khuyết tật tại các công ty, cơ sở kinh doanh... Nhờ đó, nhiều hội viên đã có điều kiện vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động Hội. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức để phát huy sức mạnh của toàn xã hội nhằm chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người khuyết tật trong tỉnh.
Đinh Hương