Do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, mưa, lũ thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Bình Phước đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi do địa phương quản lý; phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.
Các địa phương có hồ, đập phải chủ động, phối hợp với cơ quan quản lý khai thác tổ chức kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu hư hỏng để kiến nghị sửa chữa trước mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và khu vực dân cư ở hạ lưu.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra các công trình thủy lợi đang thi công xây dựng, tuyệt đối không thi công sửa chữa công trình trong mùa mưa, lũ khi không đảm bảo an toàn theo quy định; tổ chức xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các công trình đang thi công và vùng hạ du, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ thủy lợi Bình Phước có nhiệm vụ xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đầu mối và phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du của hồ chứa nước; thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình kể cả khi không có mưa, lũ; trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình. Các đơn vị bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố công trình xảy ra; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo quy định; thực hiện giải tỏa vật cản, phát quang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ để chủ động thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra. Các đơn vị phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
UBND tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lún, nứt, gãy địa chất, sạt lở đường, an toàn hồ đập trên địa bàn. Trong đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình.
Ở góc độ quản lý ngành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, Sở tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Sở tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, nhất là các hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên; tham mưu UBND tỉnh quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý.
Đơn vị còn đôn đốc, kiểm tra tiến độ các công trình đang thi công, hồ chứa thủy lợi đang sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Sở chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ và báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Cũng theo ông Phạm Thụy Luân, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh với 315 đoạn sông, suối và 39 hồ chứa trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 73 hồ, đập lớn nhỏ, được địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, trong đó có 62 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước hồ thủy điện Cần Đơn với năng lực thiết kế tưới cho 9.286ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642m3/ngày, đêm.
Giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đầu tư xây dựng mới 15 dự án thủy lợi. Trong đó, 8 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua bố trí vốn đầu tư công trung hạn và 4 dự án từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn vay ADB đã được chấp thuận và đang triển khai thực hiện. Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh đầu tư xây dựng mới 6 dự án và 17 công trình sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình.
Trước đó, Bình Phước là 1 trong 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 2/2021. Dự án sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với tổng nguồn vốn dự kiến 70 triệu USD. Trong đó, Bình Phước được bố trí khoảng 20 triệu USD để triển khai 4 hợp phần xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng ven hồ Dầu Tiếng – huyện Hớn Quản, hồ Phước Hòa – huyện Chơn Thành, xây dựng và hiện đại hóa hệ thống kênh thủy lợi sau Cần Đơn – huyện Bù Đốp, nâng cấp, hiện đại hóa kênh mương các công trình hồ đập trên địa bàn huyện Lộc Ninh để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Nhật Bình