Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Xuất khẩu giảm mạnh Mặc dù, cá tra Việt bị truyền thông nước ngoài "bôi xấu" đã tồn tại nhiều năm nay, tuy nhiên việc một kênh truyền hình Tây Ban Nha phát sóng đoạn phóng sự đưa những thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh cá tra của Việt Nam vào tháng 1/2017 được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Bởi, cách tuyên truyền này được tổ chức có hệ thống nhằm đạt được mục tiêu là khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế ăn sản phẩm, tạo sức ép lên các tổ chức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hệ thống bán lẻ để dừng bán sản phẩm cá tra. Sự vụ này ngay sau đó đã tác động tiêu cực đến nhận thức của người tiêu dùng nước này và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia thành viên khác của EU. Tiếp theo đó, đầu tháng 2/2017, một số hệ thống bán lẻ của EU như Hệ thống siêu thị Carrefour, Tập đoàn Esselunga... đã thông báo sẽ ngừng bán các sản phẩm cá tra tại tất cả các cửa hàng, do lo ngại những tác động tiêu cực lên môi trường của các trại nuôi cá tra. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ sau sự cố truyền thông này, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sụt giảm khá mạnh. Hiện nay, ngoại trừ một số thị trường có nhu cầu tiêu thụ cá tra ở phân khúc hàng giá trị gia tăng và chất lượng cao thì phần lớn xuất khẩu cá tra ở thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Số liệu của VASEP cho thấy, trong 8 tháng năm 2017, trong khi giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn có mức tăng trưởng đáng kể, đơn cử như: Brazil tăng 63,9%; Mexico tăng 26,4%; Colombia tăng 2,5% và Saudi Arabia tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước thì ngược lại, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn đang trên đà giảm mạnh và giảm đến 21,7% so với cùng kỳ năm 2016. Ở trong khối EU, giá trị xuất khẩu sang một số thị trường đơn lẻ như Hà Lan giảm 3,6%; Anh giảm 4,9%; Đức giảm 19,8%. Riêng ở thị trường Tây Ban Nha, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã sụt giảm đến 67% trong 7 tháng của năm nay. Với mức ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt truyền thông bôi xấu này, VASEP cùng các doanh nghiệp đã có chiến dịch truyền thông quảng bá hình ảnh cá tra ngay tại thị trường Tây Ban Nha và một số thị trường khác trong khu vực EU. Tuy nhiên, việc phục hồi này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, khả năng thị trường liệu có tiếp nhận hay không; sự cạnh tranh cá tra với các loại cá thịt trắng khác trên thị trường…
Cá tra Việt Nam được chế biến, tẩm ướp gia vị theo món lươn truyền thống của Nhật Bản bày bán tại siêu thị AEON. Ảnh: Thành Hữu - phóng viên TTXVN tại Nhật Bản |
Tìm giải pháp hồi phục Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu cá tra vẫn đang “mắc cạn” ở thị trường EU, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tập trung quảng bá hình ảnh thân thiện của cá tra Việt đến người tiêu dùng. Đồng thời, cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm, tiếp cận đến người tiêu dùng cuối cùng để giúp họ nhận diện được sản phẩm Việt Nam khác thế nào với các quốc gia khác. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, Đại học Nam Đan Mạch cho rằng, nếu cá tra Việt Nam làm được như sản phẩm cá hồi Na Uy, trích ra một phần lợi nhuận để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thị trường, làm thương hiệu cho cá tra thì sẽ không phải gặp những sự cố truyền thông đáng tiếc như xảy ra ở Tây Ban Nha hồi đầu năm nay. “Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chỉ cần bỏ ra 0,05% giá trị xuất khẩu thì đã có được 1 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Số tiền này có thể dùng để thành lập các viện nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và nhiều hoạt động khác cho sự phát triển của cá tra trong tương lai”, Tiến sĩ Thông nói. Cũng nhìn nhận từ sự tương quan phát triển của cá hồi Na Uy với cá tra Việt Nam, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, ngành cá tra không cần tìm đâu hướng phát triển cho xa xôi, mà chỉ cần học từ chính ngành công nghiệp cá hồi Na Uy. Ở Na Uy có quỹ nghiên cứu thủy hải sản, trong năm 2016 họ thu về được 26 triệu USD và tập trung vào chương trình nuôi cá sạch, xây dựng thương hiệu. Đây là hướng mà ngành cá tra Việt có thể nghiên cứu, học tập theo mô hình này. “Hiện nay, cá hồi đang duy trì sản lượng 1 triệu tấn, với mức giá thành 3,5 USD/kg nhưng giá bán nguyên liệu lên tới 6-7 USD/kg. Vào thời điểm sản lượng cá hồi tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp cá hồi đồng lòng thả cá giống ra sông, ra biển để giảm sản lượng, nhằm ổn định giá bán, thị trường”, bà Khanh cho biết thêm. Ngoài vấn đề tái cơ cấu lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, việc đầu tư vào các phân khúc thị trường ngách cũng là cách mà doanh nghiệp cá tra nên tập trung để vực lại thị trường này. Mặc dù hiện nay dòng sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn xuất khẩu vào EU còn chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10%, tuy nhiên, đây là yếu tố bắt đầu khuynh hướng cho tương lai để trên cơ sở đáp ứng cho nhu cầu. Bên cạnh đó, phân khúc sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng của thời đại, có tiềm năng phát triển rất lớn và được nhiều người tiêu dùng EU lựa chọn. Trong khi đó, theo nhiều nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng được khả năng phát triển dòng sản phẩm này. “Khi đầu tư vào thị trường ngách như sản phẩm cá tra hữu cơ, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xem xét nhóm đối tượng và phân khúc thị trường lớn thế nào để có mức đầu tư thích đáng. Bởi EU là thị trường có đặc thù khá riêng, mỗi thị trường thành viên lại có tiêu chuẩn, thói quen tiêu dùng khác nhau. Do vậy, doanh nghiệp nên chọn lựa quy mô, mức độ đầu tư, quảng bá sản phẩm vào một thị trường nhất định, sau đó lan dần sang các thị trường khác”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết.
H.Chung