Tiếp tục rét đậm, rét hại, bệnh nhi nhập viện tăng cao

Tiếp tục rét đậm, rét hại, bệnh nhi nhập viện tăng cao

Trước tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng cao, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình đã tăng ca các bác sỹ, y tá, điều dưỡng để túc trực, thăm khám và điều trị kịp thời cho các bệnh nhi. Bác sĩ Phạm Hồng Kiều, Trưởng khoa Nội nhi I, Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, do thời tiết mưa phùn, lạnh, độ ẩm cao khiến trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch suy giảm. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 10 bệnh nhi khám và nhập viện do bệnh về đường hô hấp. Những năm trước, thời điểm này bệnh viện chỉ có 80 đến 100 bệnh nhi điều trị tại khoa nhưng năm nay số bệnh nhi tăng lên từ 140 đến 150 cháu. 

Băng tuyết rơi ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trọng Lịch- TTXVN
Băng tuyết rơi ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trọng Lịch- TTXVN


Bác sỹ Kiều khuyến cáo, nhằm giảm thiểu trẻ bị viêm đường hô hấp trong những ngày giá lạnh, người lớn nên mặc đủ ấm cho trẻ và không để trẻ sinh hoạt ở nơi gió lùa, chú ý không tắm cho trẻ quá lâu, không cho trẻ đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng cần hết sức quan tâm, bởi khi cung cấp đầy đủ các protein sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Đối với trẻ đã bị viêm đường hô hấp, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, làm thông thoáng đường thở. Ngoài ra, gia đình không được sưởi than, trong nhà không nên đóng kín các cửa khiến không khí khó lưu thông. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi khi không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Khi đi tiêm chủng, trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay đủ ấm, không bị gió lùa. Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở. Đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi. 

Ông Ngô Hải Dương, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình xác nhận nhiệt độ tại tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua đã xuống mức thấp nhất trong vòng gần 40 năm qua. Đặc biệt, sáng sớm 25/1, tại tỉnh Quảng Bình nhiệt độ đo được tại thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa) là 5 độ C, thị xã Ba Đồn là 6,1độ C và thành phố Đồng Hới là 6,7 độ C. Trước đó vào năm 2008, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình thì mức nhiệt độ xuống thấp nhất đã được ghi nhận ở tỉnh là khoảng 9-10º C.


Hiện các ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tại tỉnh Quảng Bình đang tích cực vào cuộc để phòng và chống rét đậm, rét hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã phân công cho các đơn vị theo dõi tình hình diễn biến của đợt rét trên địa bàn để đưa ra phương án phòng, chống kịp thời. Trong đó, đặc biệt quan tâm phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản, cây trồng vụ sản xuất đông xuân. Đối với Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phân công cán bộ về cơ sở để phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, các xã trên địa bàn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa để theo dõi, hướng dẫn nhân dân phòng chống rét đậm, rét hại đối với gia súc, gia cầm… 

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Minh Hóa cho biết, trong những ngày qua thời tiết tại địa phương xuống rất thấp, nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng đến sản xuất vụ Đông Xuân và có thể gây chết trâu bò, vật nuôi của bà con nhân dân tại địa phương. Vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa đã cử cán bộ về cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân cách phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đối với trâu bò, huyện hướng dẫn nhân dân cách che chuồng trại, chăn thả muộn vào buổi sáng và đưa về chuồng sớm vào buổi chiều tối. Vì vậy, đến thời điểm này, ở huyện Minh Hóa chưa ghi nhận trường hợp trâu bò nào chết. Cũng do nhiệt độ xuống thấp nên ngày 25/1, ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình đã cho hơn 120.000 học sinh tiểu học và trẻ mầm non được nghỉ học. 

Chiều 25/1, băng tuyết ở Tam Đảo đã giảm ở vùng thấp, nhưng các điểm cao từ 900m trở lên vẫn còn xuất hiện băng giá, nhiều đỉnh cao nhất của dãy Tam Đảo băng tuyết phủ dày lên cảnh vật, cây cối. 


Theo người dân thị trấn Tam Đảo, từ ngày 24/1, nhiều nơi tại thị trấn đã xuất hiện băng giá. Khi thời tiết ấm lên, băng tuyết bắt đầu tan, kéo theo hàng chục ha cây cối, rau su su... ở Tam Đảo bị hư hại. Hiện tượng băng giá xuất hiện ở Tam Đảo rất hiếm gặp, do đó khi xảy ra hiện tượng này rất nhiều du khách, chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên ở các tỉnh, thành phố khác kéo nhau về Tam Đảo để xem./. 



Có thể bạn quan tâm