Tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Sáng 20/6, tại Hà Nội, Hội thảo Phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG 8.7) đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các bộ, ngành, đơn vị hữu quan tổ chức. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Bà Ingrid Christensen – Giám đốc ILO tại Việt Nam; Bà Lesley Miller – Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cùng sự góp mặt của đại diện các đơn vị, bộ, ngành liên quan.

Theo Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa, trên thế giới, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động, trong đó có 79 triệu em làm những công việc nguy hiểm. Từ năm 2008, châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh – Caribê có tiến bộ trong phòng, chống lao động trẻ em; châu Phi cận Sahara không đạt được tiến bộ tương tự, tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất, số lượng trẻ em tham gia lao động lớn nhất với khoảng 86,6 triệu em. Nhìn chung, từ năm 2000 đến năm 2016 tình hình phòng, chống lao động trẻ em đã đạt được những tiến bộ nhất định (giảm từ 245,5 triệu em từ năm 2000 xuống 151,6 triệu em năm 2016), tuy nhiên, những tín hiệu khả quan trên toàn cầu đã bị chững lại từ năm 2016.

Tại Việt Nam, tình hình lao động trẻ em thấp hơn các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương 2% và toàn cầu 4,2% (năm 2016). Năm 2018, Việt Nam có trên 1 triệu lao động trẻ em từ 5-17 tuổi, chiếm khoảng 5,4%, trong khi đó năm 2012 là trên 1,7 triệu em, chiếm 9,6%, điều đó là minh chứng rõ rệt cho những nỗ lực phòng, chống lao động trẻ em tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, để thực hiện hiệu quả giảm thiểu lao động trẻ em, Việt Nam đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp như: Hoàn thiện pháp luật, chính sách; Phát triển chính sách hỗ trợ xã hội; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Lồng ghép trong triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia; Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em dưới nhiều hình thức qua đó đã nâng cao nhận thức của cộng đồng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin về lao động trẻ em…

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa cũng đề xuất một số những giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn nữa như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa, lao động trẻ em, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, tiêu chí xác định lao động trẻ em, quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; Tăng cường triển khai, lồng ghép giải quyết lao động trẻ em với giảm nghèo, an sinh xã hội, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Bên cạnh đó triển khai các can thiệp phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện các quy định pháp luật về lao động trẻ em, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lao động trẻ em. Song song với đó tăng cường hợp tác quốc tế…

Cùng với những chính sách bảo trợ xã hội hiện có tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề công tác xã hội cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Cần thay đổi nhận thức, đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội là đầu tư cho phát triển, góp phần tích cực giảm nghèo, bất binh đẳng xã hội và ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Đồng thời, chính sách trợ giúp xã hội cần được tiếp cận hệ thống, toàn diện trên cơ sở vòng đời gắn kết với hệ thống an sinh xã hội và quyền con người, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển trợ giúp xã hội của thế giới, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức dịch vụ tham gia thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, để tăng cường công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp xã hội cần phải tính đến việc bảo đảm nhu cầu của trẻ em và gia đình trẻ về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sinh kế, đặc biệt là nhóm trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, trẻ em và gia đình trẻ em sống ở các xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Song song đó, từng bước mở rộng độ bao phủ và nâng cao khả năng tác động của chính sách trợ giúp xã hội đến trẻ em và gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu cho biết thêm.

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Cục Trẻ em rà soát thêm các vấn đề liên quan đến chính sách, bảo trợ xã hội, phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội; các địa phương rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ, qua đó đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện.

NT

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm