Bài 2: Trợ vốn cho người lao động
Hỗ trợ người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm, ổn định cuộc sống đang được Tổ chức Tài chính vi mô (CEP), thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện, nhằm trợ lực cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn này, nhiều người lao động nghèo đã duy trì ổn định cuộc sống, không vướng vào vòng luẩn quẩn của tín dụng đen.
Giải cứu khỏi tín dụng đen
Với gia cảnh chẳng khá giả gì, lại thêm mẹ già, con còn nhỏ, chồng đau ốm, cô Huỳnh Ngọc Bích Sơn ở Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cảm thấy bức bách khi trường mầm non phải tạm đóng cửa do dịch COVID-19. Do là lao động chính trong nhà nên chuyện tạm dừng việc ở trường đã ảnh hưởng đến nguồn thu của cả nhà.
Không biết bám víu vào đâu, cô Sơn đã phải đi vay “nóng” 5 triệu đồng với lãi suất 12%/tháng để đầu tư bán cà phê, nước ngọt trước cửa nhà nhằm có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, số tiền lãi lên tới 200.000 đồng/tháng trong lúc thu nhập còn bấp bênh là áp lực lớn với gia đình cô Sơn.
Cũng may, khi biết hoàn cảnh khó khăn của cô, Liên đoàn Lao động - nghiệp đoàn mầm non Quận 8 không chỉ hỗ trợ cô khoản tiền trước mắt mà còn tư vấn, giúp cô tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP.
“Ngay giữa mùa dịch mà vay được 10 triệu với lãi suất thấp, với chúng tôi còn mừng hơn trúng xổ số đặc biệt. Có được số tiền này, việc đầu tiên của tôi là mang tiền đi trả nợ vay ngoài. Phần còn lại, tôi tiếp tục đầu tư vào quán nước giải khát để có nguồn thu ổn định, duy trì cuộc sống”, cô Sơn chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai biến, bản thân chị Nguyễn Thị The, ở Phường 6, Quận 8 bị bệnh xơ cứng bì toàn thân nhưng hằng ngày vẫn cố gắng mưu sinh lo cho con gái chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển vào đại học.
Khó khăn càng thêm chồng chất khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội hoạt động kinh doanh vé số phải tạm dừng khiến nguồn thu nhập chính từ bán vé số dạo của hai vợ chồng cũng không còn.
“Nếu không có hỗ trợ của chính quyền địa phương; không có nguồn vay ưu đãi của CEP -Chi nhánh Quận 8, gia đình tôi không biết phải duy trì cuộc sống thế nào trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua. Nhờ vào nguồn vốn vay này, gia đình không phải vướng vào cảnh nợ nần chồng chất hay vay tín dụng đen”, chị The tâm sự.
Theo ông Ngô Ngọc Tấn, Giám đốc Chi nhánh CEP Quận 8, đại dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động trên địa bàn quận gặp khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc giãn nợ, giảm lãi cho khách hàng cũ, cán bộ nhân viên của CEP còn phối hợp chặt chẽ với cán bộ khu phố tuyên truyền, phổ biến chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hạn chế tình trạng người lao động phải vay “nóng” bên ngoài trong những lúc bức bách.
Không chỉ riêng chị Sơn hay chị The, nhiều trường hợp người lao động đã kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của CEP. Tại các doanh nghiệp, bộ phận Công đoàn đã liên hệ chặt chẽ với các Chi nhánh của CEP để hỗ trợ người lao động tiếp cận được với nguồn vốn vay chính thức, thay vì vay lãi suất cao bên ngoài.
Kênh trợ vốn hiệu quả
Theo CEP, hiện đơn vị này đang cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng công nhân, lao động nghèo. Sản phẩm tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập, mức lãi suất vay bình quân chỉ từ 0,6-0,65%/tháng, với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Điều kiện cho vay này thấp hơn rất nhiều so với của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Khách hàng của CEP đa số sử dụng vốn vay cho nhiều dạng hoạt động tạo thu nhập, nhưng chủ yếu là buôn bán nhỏ, làm sản phẩm thủ công hoặc những hoạt động lao động, sản xuất dựa vào sức lao động. Họ đa phần là phụ nữ và gia đình dễ bị rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm, đau ốm. Đồng thời, thường phải làm việc nhiều thời gian và phải đi lại xa để kiếm sống.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP, nhiều lao động nghèo đã thoát khỏi tín dụng đen. Với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô, CEP đã đẩy mạnh hoạt động cho vay nhằm góp phần tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CEP cho biết, trong 7 tháng năm 2020, trên 206.000 lượt công nhân lao động đã được vay vốn từ CEP, với tổng dư nợ trên 4.864 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với hệ thống chi nhánh hầu như trải khắp các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều chi nhánh ở 8 tỉnh, thành lân cận, CEP đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều lao động có nguồn vốn tạo việc làm, ổn định thu nhập.
Đặc biệt, trước những khó khăn của công nhân lao động, hộ nghèo do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, CEP đã trao quà tặng 20.000 khách hàng có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ở thời điểm bùng phát dịch bệnh, CEP tiếp tục hạ lãi suất cho vay; đồng thời mở gói cho vay từ tháng 4 - 12/2020 đối với đối tượng là giáo viên, nhất là giáo viên mầm non tư thục và đã giải ngân cho 5.700 lượt vay với tổng số tiền 203 tỷ đồng, lãi suất 0,55%/ - 0,6%/tháng.
Trong thời gian giãn cách xã hội, đã có 182.500 lượt khách hành của CEP rút tiền từ khoản tiết kiệm đoàn viên, tiết kiệm định hướng (đã tích lũy trong thời gian trước đây) hơn 940 tỷ đồng để trang trải cuộc sống vượt qua dịch bệnh.
“Cái hay của CEP là khuyến khích người vay vừa trả gốc, trả lãi, vừa đóng tiết kiệm (đây là khoản tiền rất nhỏ của người lao động) hướng đến việc “tích tiểu thành đại” góp phần tạo ra khoản tiết kiệm nho nhỏ sau khi trả hết tiền vay. Cũng nhờ khoản tiết kiệm nhỏ này, nhiều lao động có nguồn lực duy trì cuộc sống khi thất nghiệp”, ông Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ.
Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP, người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn có thể tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh thành phố với nhiều chương trình tín dụng cho các đối tượng yếu thế.
Tính đến cuối tháng 5/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 5.079 tỷ đồng, tăng 12,8% so với thời điểm cuối năm 2019, với 142.784 khách hàng còn dư nợ. Dòng vốn này tập trung vào một số chương trình như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm; cho vay Quỹ Xóa đói giảm nghèo của thành phố.
Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, gần 346.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, kịp thời khắc phục thiệt hại sau đại dịch COVID-19. (Còn tiếp)
Thanh Vũ - Hứa Chung
Bài cuối: Không để người lao động ở lại phía sau