Biểu diễn trống Paranưng. |
Khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ cũng không rõ nhạc cụ ấy là của dân tộc nào. Theo lời nhạc sĩ Trần Tiến kể lại, ông viết ca khúc này vào quãng năm 1984, trong một lần cùng với ca sĩ Ngọc Tân về cù lao Châu Giang, An Giang, nằm giữa đôi dòng Tiền Giang và Hậu Giang.
Trong chuyến đi đó, hai người tình cờ gặp một cô gái theo đạo Hồi đang ngồi dệt vải với chiếc khăn mat’ra che mặt. Nhạc sĩ vẫn còn nhớ tên cô gái ấy là Atiza. Khi Atiza gỡ chiếc khăn ra, nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Ngọc Tân đều ngỡ ngàng vì nhan sắc tuyệt đẹp của cô. Chính vì những “dữ kiện” này, nhạc sĩ Trần Tiến cứ ngỡ trống Paranưng có nguồn gốc ở vùng sông nước miền Tây. Và bởi thế, trong bài hát mới có câu: “Như nắng buông trên dòng Tiền Giang/ Như gió reo trên dòng Hậu Giang/ Như lời thương nhớ ai mà giọng hát xa vời/ Pa ra paranưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi...”
Nhưng sự thật thì trống Paranưng là nhạc cụ của tộc người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận. Trống Paranưng là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ vỗ. Trống chỉ có một mặt, đường kính khoảng 45 - 50cm, bịt bằng da hoẵng hoặc da dê. Tang trống liền làm từ gỗ lim hoặc gỗ cà chỉ cao khoảng 9cm. Mặt trống được căng bằng hai đai tròn làm từ một đoạn mây song và một hệ thống dây chằng đan chéo nhau để căng mặt trống. Từ giữa tang đến vành phía dưới là những con nêm để căng trống khi bị trùng.
Người đánh trống Paranưng được gọi là “ông thầy vỗ”, vì khi diễn tấu, trống được đặt ở trước bụng, rồi sử dụng các ngón của hai bàn tay vỗ (chứ không dùng dùi) vào những vị trí khác nhau trên mặt trống tạo các âm có màu sắc: tìn, tin, tắc.
- Tìn: Dùng các đầu ngón tay phải khép lại, vỗ vào mặt trống cách vành khoảng 12cm, rút tay lên ngay tạo âm vang rền.
- Tin (hoặc tâm): Dùng các đầu ngón tay phải mở ra vỗ vào mặt trống cách vành 5-6cm, rút tay lên ngay tạo âm cao hơn Tìn.
- Tắc: Dùng các đầu ngón tay trái khép lại vỗ vào mặt trống cách vành 5 - 6cm, nhưng ấn giữ nguyên tạo âm ngắt và đục.
Theo NSƯT Đàng Năng Đức, trống Paranưng và các nhạc cụ Chăm khác đều do người Chăm Bàlamôn (Ấn Độ giáo) ở vùng Panduranga sáng tạo. Do đó trống Paranưng trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến dù được vỗ lên ở miền Tiền Giang, Hậu Giang nhưng có xuất xứ từ vùng Panduranga. Với người Chăm, trống Paranưng vừa góp mặt trong mùa tết Rija Nưga hay Katê; trong ngày tang lễ hay lễ nhập Kud, vừa có thể tạo nên những điệu theimai mừng đôi lứa trong ngày cưới.
Theo daidoanket.vn