Tiền Giang có 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu

Trao Bằng công nhận Cẩm Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Trao Bằng công nhận Cẩm Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Chiều 15/1, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì lễ công bố và trao Bằng công nhận xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Đảng bộ, nhân dân xã Cẩm Sơn công trình phúc lợi xã hội trị giá 2 tỷ đồng.

Tiền Giang có 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 1Trao Bằng công nhận Cẩm Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Đến nay, Tiền Giang có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/8 huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, năm 2024, Tiền Giang phấn đấu có thêm 7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai huyện Tân Phước và Tân Phú Đông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời hai huyện Gò Công Đông, Chợ Gạo được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Từ đó, tạo đà đến năm 2025, Tiền Giang được công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2024 xây dựng kế hoạch, triển khai lộ trình phù hợp, khả thi, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Các địa phương chú trọng chất lượng công tác xây dựng xã, huyện nông thôn mới theo hướng 90% số xã đã được công bố đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao phải bảo đảm đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025 cũng như các huyện được công nhận đều đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới.

Đồng thời, các địa phương xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương phải hướng tới đối tượng thụ hưởng là người dân, xác định nhân dân là chủ thể với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, thúc đẩy bình đẳng giới…

Các địa phương huy động tốt nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tiền Giang xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát, không có điểm dừng. Do đó, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực và người dân cùng tham gia cũng như duy trì, nâng chất tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2024, Tiền Giang tiếp tục kiện toàn tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và mạng lưới các Tổ Khuyến nông cộng đồng; huy động tốt nguồn lực xây dựng nông thôn mới thành công theo kế hoạch được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các xã phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; địa phương phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao trong năm nay khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục về xây dựng cơ bản dự án, công trình quy mô lớn. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp cùng sở, ngành có lộ trình cụ thể phù hợp thực tiễn nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm