Các trạm bơm ở Tiền Giang đang chuẩn bị để lấy nước ngọt. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Nhiệm vụ đặt ra là ngăn mặn triệt để trong giai đoạn sản xuất, nâng cao hiệu quả tưới tiêu, hạn chế úng hạn cục bộ; tưới tạo nguồn thuận lợi, hạn chế bơm chuyền nhiều cấp đồng thời nhanh chóng tháu rửa ô nhiễm, phèn mặn tiềm tàng sau khi vệ sinh đồng ruộng lúc xuống giống Đông Xuân cũng như tích trữ nước phục vụ sản xuất. Công ty sẽ khai thác triệt để khả năng lấy nước ngọt của cống Vàm Giồng và Xuân Hòa; đồng thời có biện pháp khắc phục úng ngập nội đồng ở vùng trũng thuộc huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông. Trong trường hợp mặn xâm nhập sớm và sâu, kết hợp hạn hán gây hại trong mùa khô 2019, Công ty vận hành lấy ngọt liên tục ở cống đầu mối Xuân Hòa để tránh gián đoạn và kết hợp ngăn mặn, không cho xâm nhâp sâu vào nội đồng - ông Bá chia sẻ. Trên cơ sở kế hoạch chung, Công ty sẽ có kế hoạch cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn tùy theo diễn biến thời tiết, thủy văn trong khu vực. Các giai đoạn chính gồm: từ đầu tháng 12/2018 đến giữa tháng 12/2018 lấy nước ngọt đảm bảo phục vụ thu hoạch Thu Đông; giữa đến cuối tháng 12/2018 tháo rửa chua phèn, cải tạo nguồn nước kết hợp lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2018 – 2019; từ đầu tháng 1/2019 đến cuối tháng 2/2019 tiếp tục trữ ngọt để phục vụ sản xuất và phòng chống hạn mặn, thiên tai. Ngọt hóa Gò Công là dự án thủy lợi trọng điểm bao gồm hệ thống cống đập, đê bao ngăn mặn, giữ ngọt khép kín phục vụ sản xuất, chuyển đổi cây trồng và phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai phục vụ cho các huyện thị duyên hải phía Đông: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo. Cùng với vận hành hợp lý toàn bộ hệ thống để phát huy hiệu quả trong phục vụ sản xuất, Tiền Giang cũng phân bố lịch thời vụ hợp lý cho diện tích sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân trên 26.000 ha toàn vùng theo hướng né hạn mặn, tạo tiền đề giành một vụ mới bội thu. Theo lịch thời vụ, toàn bộ công tác xuống giống sẽ dứt điểm trong tháng 12/2018.
Minh Trí