“Quy định mới về nhà ở xã hội - từ chính sách đến thực thi” là nội dung của tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều ngày 10/5.
Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, Luật Nhà ở mới có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991. Những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân.
Trong đó, Chương VI của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều chính sách nổi bật.
Đáng chú ý, theo bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân, luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Cùng với đó, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Ông Hà Quang Hưng – Cục phó Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở này.
Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các độ thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Còn theo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...
Những quy định này thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế - ông Hưng khẳng định.
Ngoài ra, các địa phương còn phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dành ngân sách để xây dựng dự án đầu tư nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án để đảm bảo đồng bộ.
Thêm một nội dung mới được ghi nhận là việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; trong đó có doanh nghiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Theo đó, sẽ có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Ông Hà Quang Hưng phân tích: Thực tế gần 8 năm triển khai chính sách cho 10 nhóm đối tượng này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của một bộ phận lớn nhân dân có thu nhập còn thấp. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng có điều kiện đặc thù về nghề nghiệp, môi trường làm việc như công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân thì mô hình nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Những bất cập này sẽ được Luật Nhà ở (sửa đổi) hóa giải.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ - Địa ốc Hoàng Quân bày tỏ, là những người tham gia trực tiếp phát triển dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã được tham dự nhiều cuộc làm việc, trao đổi ý kiến để cùng đưa chính sách đi vào cuộc sống. Ghi nhận rõ nét nhất là trong vòng 30 năm nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) thật sự tiến bộ, hiệu ứng tích cực được lan tỏa đến các đối tượng liên quan, thụ hưởng chính sách.
Nhất là khi có chủ trương đẩy sớm thời hạn hiệu lực của Luật và xây dựng, ban hành đồng thời các Nghị định đi kèm trước 6 tháng với cả 3 luật khung đã sửa đổi gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ. Bởi thực tế, các quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư nhà ở xã hội. Nhất là khi có định hướng về quy hoạch rõ ràng, quỹ đất ổn định.
Liên quan đến ưu đãi cho chủ đầu tư, bà Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, muốn thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội thì phải có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp giúp có lãi thì họ mới tham gia. Cho dù cơ chế chính sách chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng bước đầu đã thu hút sự chú ý và bước vào tham gia phát triển phân khúc nhà ở này.
Tuy nhiên, bà Trần Hồng Nguyên bày tỏ những băn khoăn và cũng là lo lắng của nhiều người dân đang tìm hiểu để mua nhà ở xã hội. Bởi mặc dù Luật Nhà ở (sửa đổi) đã xóa bỏ nhiều quy định không cần thiết, chỉ còn 2 điều kiện về nhà ở và thu nhập. Thế nhưng, việc lấy xác nhận về nhà ở tại các cấp phường, xã đang rất khó khăn.
Lý do là người có thẩm quyền xác nhận không có thông tin do hệ thống liên thông về sở hữu nhà ở chưa đầy đủ. Do đó, khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn phải rất chi tiết để chính sách đã được Quốc hội thông qua đi vào thực tiễn, thông suốt; tránh tạo những rào cản trong quá trình thực thi khiến mục tiêu không đạt được như kỳ vọng – bà Trần Hồng Nguyên khuyến nghị.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.
Minh Anh