Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện vùng cao Tuyên Quang

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện vùng cao Tuyên Quang
Nỗ lực xây dựng nhãn hiệu gà ta thả đồi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã Năng Khả trong những năm qua. Ông Ma Văn Biết, Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết: Để phát huy lợi thế của địa phương như: Có giống gà ta ngon, diện tích vườn rừng rộng phù hợp cho chăn thả gà… nên xã đã chọn gà ta thả đồi để làm sản phẩm chủ lực. Đầu năm 2019, xã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Niên để phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi. Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, quy mô chăn nuôi trên 6.000 con gà. Sản phẩm gà thả đồi của xã chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn huyện với đầu ra ổn định.

Sau hơn 1 năm triển khai, việc phát triển mô hình gà ta thả đồi của xã Năng Khả đã có kết quả tích cực. Nhờ nuôi gà thả đồi, các hộ dân là thành viên trong hợp tác xã đã có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Đây là cơ sở để xã tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm; nhân rộng mô hình đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã, tiến tới xây dựng, hoàn thiện thương hiệu gà đồi Năng Khả.

Là một trong những hộ nuôi gà thả đồi đầu tiên ở Năng Khả, chị La Ánh Nguyệt, thôn Nà Khá, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà thả đồi cách đây khoảng 4 năm rồi, nhưng trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, không biết liên kết sản xuất, hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2019, được cán bộ xã vận động, gia đình tôi tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Niên để phát triển chăn nuôi gà thả đồi. Tham gia Hợp tác xã, gia đình tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, được mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá gốc, được bao tiêu sản phẩm… nên rất an tâm sản xuất. Hiện gia đình tôi đang nuôi khoảng 1.200 con gà, với giá bán từ 100.000 -110.000 đồng/kg, mỗi năm xuất bán 4 tấn gà, thu về khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng”.

Đàn gà thương hiệu gà thả đồi ở xã Năng Khả của gia đình chị La Ánh Nguyệt tại thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Đàn gà thương hiệu gà thả đồi ở xã Năng Khả của gia đình chị La Ánh Nguyệt tại thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Để phát huy được lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được các xã trên địa bàn huyện Na Hang tích cực triển khai, nhiều xã đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Ông Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị, huyện Na Hang, cho biết: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, sản phẩm Bún khô Đà Vị đã được công nhận cơ sở sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và đang trình Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch.

Đây là kết quả sau nhiều năm nỗ lực, hỗ trợ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh và sự nỗ lực của người dân trên địa bàn xã. Bởi, để xây dựng được sản phẩm chủ lực, có nhãn hiệu được công nhận, người dân phải tuân thủ quy trình sản xuất, chăn nuôi nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Sau khi được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp mã số mã vạch... đầu ra của các sản phẩm này ổn định hơn, giá thành sản phẩm được nâng lên, qua đó giúp người dân có thể làm giàu trên quê hương.

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết: Huyện Na Hang có trên 80% dân số sinh sống bằng nông nghiệp. Do đó, thời gian qua, huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng xã; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, từng bước nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện để mọi người hiểu rõ về cơ chế, chính sách, lợi ích của Chương trình; thành lập Ban chỉ đạo các cấp để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng kế hoạch đánh giá, chấm điểm các sản phẩm tham gia Chương trình của huyện năm 2020. Đồng thời, các địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn được giao để tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm thế mạnh như: hỗ trợ hợp tác xã liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; lồng ghép hỗ trợ phát triển sản xuất từ các Chương trình 135, Chương trình 30a và các cơ chế, chính sách của tỉnh…

Sản phẩm bún khô Đà Vị của HTX nông nghiệp xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã được công nhận cơ sở sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và đang trình Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch. Ảnh Quang Đán – TTXVN
Sản phẩm bún khô Đà Vị của HTX nông nghiệp xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã được công nhận cơ sở sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và đang trình Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch. Ảnh Quang Đán – TTXVN

Đến nay, toàn huyện Na Hang đã có 5 sản phẩm được cấp nhãn hiệu gồm: Rượu ngô men lá Na Hang; rau an toàn Hồng Thái; cá đặc sản Na Hang; chè Shan tuyết Sinh Long; đậu xanh Yên Hoa. Cùng với đó, các sản phẩm: Rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh; Chè Kim tuyên, Phúc Vân Tiên; cá đặc sản Na Hang đã được cấp chứng nhận sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản suất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, các sản phẩm: rượu Trung Phong, rượu Thức Mần, rượu Chi Tín, rượu Trung Thoan, cao chanh Khâu Tinh, lê Hồng Thái đã có tem truy suất nguồn gốc, qua đó giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân…

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến cán bộ và nhân dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” huyện Na Hang; hướng dẫn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình cấp xã, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo quy định; tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Chè Shan Tuyết Na Hang, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: Thịt lợn đen Thanh Tương, bún khô Đà Vị, lê Hồng Thái, cá đặc sản Thác Mơ, rượu ngô Sơn Phú, chè Shan Tuyết Hồng Thái… Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp của tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm...

Vũ Quang Đán 

Có thể bạn quan tâm