Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoa Tết

Trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tường Vi – TTXVN
Trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Những ngày này, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tất bật chuẩn bị hoa đưa ra thị trường. Thời tiết đầu vụ bất lợi, nhiều vùng trồng hoa tết theo phương thức truyền thống phải đối mặt với nhiều khó khăn thì nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng vụ hoa Tết.

Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoa Tết ảnh 1Các nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật chăm sóc để hoa nở đúng dịp tết. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Vụ hoa tết năm nay, ông Phan Tấn Hoàng, chủ vườn lan Đốc Sơ, phường An Hòa, thành phố Huế đã trồng khoảng 6.000 cây lan hồ điệp. Trên quy mô diện tích 500 m2 hệ thống nhà lưới, gia đình ông đầu tư hệ thống thông gió, tản nhiệt, quạt đối lưu, thiết bị điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng … và áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật chăm sóc để hoa nở đúng dịp Tết, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giá bán tại nhà vườn dao động từ 160.000 - 250.000 đồng/cây lan đại hồ điệp tuy theo chất lượng của từng cây.

Ông Phan Tấn Hoàng cho biết, để chuẩn bị cho thị trường hoa Tết Nhâm Dần, ngay từ đầu năm, gia đình đã nhập giống lan về trồng. Để hoa nở đúng dịp tết, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, người trồng hoa phải chú trọng điều chỉnh nhiệt độ thích hợp với từng giai đoạn giúp cây sinh trưởng đúng nhịp. Nhiệt độ để lan hồ điệp phát triển tốt là mức 20-30 độC.

Mặc dù thời tiết năm nay biến động, mưa nhiều, nhưng việc trồng hoa ở trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao đã khắc phục được sự bất lợi của thời tiết, có thể trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, chủ động, điều tiết sinh trưởng, phát triển ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ở ngoài tự nhiên.

Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong đã ứng dụng thành công quy trình nhân giống và sản xuất cây lan đại hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô cho chất lượng hoa cao hơn, cây sinh trưởng tốt, giảm sâu bệnh hại. Hiện nay, công ty đã nhân giống được hơn 20 dòng lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô từ phát hoa; cây mầm hồ điệp sản xuất hàng năm đạt trên 20.000 cây con và đã được huấn luyện thích nghi.

Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoa Tết ảnh 2Trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Để phục vụ nhu cầu Tết, năm nay công ty đã chuẩn bị 15.000 cây lan hồ điệp thành phẩm với hơn 20 dòng các loại, đa dạng màu sắc và chủng loại. Từ đầu năm 2021, công ty tiến hành đưa lan từ vườn giống vào nhà xử lý lạnh với với chế độ chăm sóc riêng biệt.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết, để hoa nở đúng dịp Tết thì khoảng giữa tháng 7 Âm lịch đơn vị đã đưa lan hồ điệp vào xử lý lạnh, tuân thủ theo nguyên tắc sốc nhiệt, ban ngày thì để nhiệt độ khoảng 29 – 30 độ C nhưng ban đêm thì để nhiệt độ thấp từ 15 – 16 độ C nhằm kích thích ngồng hoa phát triển. Chế độ xử lý lạnh sẽ kéo dài khoảng 2 tháng, sau đó dừng xử lý lạnh chuyển sang chế độ chăm sóc khác đảm bảo ngồng hoa dài, hoa bền và thắm màu.

Xu hướng trồng hoa theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều cơ sở và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai, vừa nâng cao thu nhập vừa đưa ra thị trường những chậu hoa đẹp đồng đều, tương đương với những vùng hoa chất lượng cao của cả nước.

Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoa Tết ảnh 3Trồng hoa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân ở huyện miền núi A Lưới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng hoa lily, hoa cúc, hoa đồng tiền tại tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Dự án đã hỗ trợ bà con nông dân các loại giống hoa gồm 53.000 củ giống lily; 60.000 cây hoa cúc và 8.600 cây hoa đồng tiền; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con trên địa bàn huyện A Lưới về các quy trình công nghệ trồng hoa lily, hoa cúc và hoa đồng tiền.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng nhà kính và trang bị hệ thống quạt gió công nghiệp phục vụ quá trình trồng và chăm sóc; xây dựng hệ thống kho lạnh để xử lý giống trước khi trồng và bảo quản hoa sau khi thu hoạch cho bà con.

Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoa Tết ảnh 4Chăm sóc hoa lan. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Theo anh Trần Vũ, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, trồng hoa công nghệ cao giúp người dân chủ động trước sự biến động của thời tiết, trồng hoa mọi thời vụ trong năm. Sau 60 ngày trồng, hiện hoa đang phát triển tốt, không bị sâu bệnh và nở đúng dịp Tết. Dự kiến nhà vườn xuất bán từ ngày 25 – 28 tháng Chạp để phục vụ thị trường.

Dự án này đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa thương phẩm, điều khiển ra hoa cho hoa lily, hoa vúc và hoa đồng tiền phù hợp với điều kiện của tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mở ra hướng đi mới cho đồng bào huyện miền núi A Lưới nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Năm nay thời tiết đầu vụ bất lợi, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người trồng hoa Tết xứ Huế đã chủ động giảm sản lượng vì lo ngại sức mua giảm. Thời điểm này, tại nhiều nhà vườn trồng hoa đã thu hút người yêu hoa đến tham quan và tìm hiểu; hoa tại các làng hoa truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng được đưa "xuống phố" để phục vụ người chơi Tết Nhâm Dần.

Chị Lê Thị Vũ, người kinh doanh hoa tại thành phố Huế cho biết, hiện tại thị trường hoa trên địa bàn tỉnh đang có sức mua chậm, tuy nhiên giá cả có tăng hơn so với mọi năm do lượng hoa nhập về ít hơn mọi năm.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm