Thừa Thiên - Huế: Trực chiến sẵn sàng đối phó với “giặc lửa” trong rừng

Biển báo cấm lửa được đặt ngoài bìa rừng thông ở thành phố Huế giúp nâng cao ý thức người dân khi đi rừng trong mùa cao điểm nắng nóng. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Biển báo cấm lửa được đặt ngoài bìa rừng thông ở thành phố Huế giúp nâng cao ý thức người dân khi đi rừng trong mùa cao điểm nắng nóng. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thừa Thiên - Huế đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, dự báo cấp cháy rừng thường xuyên ở cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng đang “căng mình” luân phiên tuần tra để kịp thời phát hiện, xử lý sớm các đám cháy, không để ngọn lửa bùng phát lan rộng.

Thừa Thiên - Huế: Trực chiến sẵn sàng đối phó với “giặc lửa” trong rừng ảnh 1 Bể chứa nước phục vụ cho công tác phòng, chống cháy rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Xuyên đêm giữ rừng

Khu vực phía Tây Nam thành phố Huế được xác định là vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một chòi canh quan sát cháy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Tiền Phong nằm trên đỉnh núi Vung với độ cao hơn 100m so với mực nước biển. Khi mặt trời lặn dần phía chân núi, tạo vùng ráng chiều đỏ rực bừng sáng sau những cánh rừng, ông Nguyễn Phước Bửu Trì chạy chiếc xe máy lên khu vực chòi canh để thay ca nhận nhiệm vụ trực ca đêm.

Gắn bó với công việc này đã nhiều năm, ông Nguyễn Phước Bửu Trì cho biết, các vụ cháy rừng thường xảy ra vào thời điểm chiều tối, nhất là ở những khu rừng thông nơi có thảm thực bì dày rất dễ bén lửa khi có sự bất cẩn của người đi rừng. Chòi canh nằm ở vị trí cao nên có tầm quan sát rộng, từ đây, ông thường xuyên sử dụng ống nhòm chuyên dụng ban đêm để “rà đi, quét lại” các cánh rừng nhằm kịp thời phát hiện những cột khói hoặc ngọn lửa bốc lên, qua đó thông báo bằng bộ đàm với bộ phận trực của chủ rừng và Hạt Kiểm lâm.

Thừa Thiên - Huế: Trực chiến sẵn sàng đối phó với “giặc lửa” trong rừng ảnh 2 Biển báo cấm lửa được đặt ngoài bìa rừng thông ở thành phố Huế giúp nâng cao ý thức người dân khi đi rừng trong mùa cao điểm nắng nóng. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ở phía xa, dưới chân núi Ngự Bình, nơi có những rừng thông hàng chục năm tuổi, các thành viên Đội bảo vệ rừng chuyên trách Thiên An (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Tiền Phong) những ngày này cũng thường xuyên tuần tra trong đêm để nắm bắt tình hình.

Anh Lê Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách Thiên An cho biết: Xen lẫn trong những cánh rừng thông ở núi Ngự Bình có rất nhiều mồ mả. Người dân thường đi thắp hương vào buổi chiều tối. Nếu không cẩn thận, chỉ một chút sơ ý trong quá trình sử dụng lửa để đốt hương hay hóa vàng mã là có thể gây ra cháy rừng. Ngoài công tác tuần tra ban ngày, vào ban đêm, đội bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân sinh sống ven chân núi chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện có cháy. Vào ban đêm, công tác triển khai phòng cháy, chữa cháy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc xử lý kịp thời ngay từ đầu không để ngọn lửa lây lan sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Thừa Thiên - Huế: Trực chiến sẵn sàng đối phó với “giặc lửa” trong rừng ảnh 3 Tuần tra để chủ động phát hiện cháy rừng trong đêm trên đỉnh núi Vung ở thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thành phố Huế hiện có khoảng 450 ha rừng thông cảnh quan, đây được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Dọc tuyến đường dẫn vào các đồi thông hoặc ngoài bìa rừng, người dân dễ dàng bắt gặp các biển cảnh báo cháy rừng. Đây là hình thức tuyên truyền giúp nâng cao ý thức sử dụng lửa của người dân khi đi rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Huế Lê Viết Ngọc Vinh cho biết: Gần hai tháng qua, địa bàn thành phố Huế chưa có đợt mưa lớn nào. Vì vậy, thực bì ở dưới tán rừng bị khô nỏ kéo dài, rất dễ bén lửa. Hiện đơn vị đã trang bị trên 200 phương tiện dập lửa thô sơ cho các chủ rừng, người dân sinh sống ở khu vực bìa rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm thành phố Huế xây dựng 6 bể chứa nước với dung tích 10m3/bể trên núi Tam Thai, Ngự Bình, Động Tranh, Động Bồng, ở những vị trí là điểm cuối mà xe chữa cháy không thể tiếp cận để tiếp nước khi cần thiết.

Theo thống kê năm 2020, địa bàn thành phố Huế xảy ra 24 vụ cháy lớn, nhỏ, gây thiệt hại 6 hecta rừng. Thời gian gần đây, Hạt Kiểm lâm thành phố và các lực lượng đã phát hiện, dập tắt kịp thời hai vụ cháy. Hiện nay, khi dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn thường xuyên ở cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng luôn trong tư thế sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện đến các điểm xảy ra cháy.

Cảnh giác cao độ với “giặc lửa”

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 288.401 ha rừng, trong đó 211.243 ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Do cháy rừng phần lớn xảy ra đối với diện tích rừng trồng nên các chủ rừng luôn đề cao cảnh giác khi bước vào mùa nắng nóng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa bàn tỉnh hiện có 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn gồm: vùng Bắc Hải Vân - Phú Lộc, vùng Hương Thủy - Tây Nam thành phố Huế, vùng Hương Trà và tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng A Lưới và tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng Phong Điền - Quảng Điền.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy hiện đang quản lý 4.000 ha rừng trồng, trong đó khu vực có nguy cơ cháy cao là 300 ha rừng thông ở Tiểu khu 151 và 152. Ở những khu vực này, lực lượng và phương tiện chữa cháy đều được bố trí tại các chốt trực để chủ động trong công tác phòng cháy.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy Hoàng Phước Toàn cho biết: Trước nguy cơ cao xảy ra cháy rừng hiện nay, đơn vị bám sát thực hiện phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, trong đó phòng là chính để ngăn chặn cháy từ xa; xây dựng các đội phản ứng nhanh ở những khu vực dễ phát sinh cháy, khu vực có tàn dư của các loại đạn nổ còn sót lại sau chiến tranh. Việc thực hiện quy chế phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ địa phương đã được chủ rừng lên phương án cụ thể để có thể cơ động đến điểm cháy một cách nhanh nhất.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có 5 vụ cháy lớn gây thiệt hại hơn 9 ha rừng. Gần đây nhất, ngày 1/6, một vụ cháy rừng keo xảy ra tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, đã làm thiêu rụi khoảng 5 ha rừng keo.

Thừa Thiên - Huế: Trực chiến sẵn sàng đối phó với “giặc lửa” trong rừng ảnh 4 Nhân viên Đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên trách của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy sẵn sàng phương tiện để dập ngọn lửa ban đầu. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Việc đốt thực bì hiện nay trên diện tích rừng trồng là một vấn đề nan giải và là nguyên nhân trực tiếp gây cháy rừng nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách thức đốt thực bì theo quy định, ngành Kiểm lâm tỉnh đã nghiêm khắc xử lý các chủ rừng đốt thực bì không có giấy phép và thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Thời gian qua, nhiều trường hợp đốt thực bì gây cháy rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị xử lý hành chính hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

Trong điều kiện thời tiết khô hanh như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn hiện hữu bất cứ lúc nào. Với tinh thần trách nhiệm cao, các lực lượng liên quan, trong đó Kiểm lâm là nòng cốt đang sẵn sàng các phương án để đối phó với “giặc lửa” trong rừng vào mùa nắng nóng.

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm