Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp diễn biến dịch COVID-19

Bố trí ngồi học giãn cách để đảm bảo an toàn khi học trực tiếp tại điểm Trường THCS Quang Trung, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Bố trí ngồi học giãn cách để đảm bảo an toàn khi học trực tiếp tại điểm Trường THCS Quang Trung, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kết hợp hình thức dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học và duy trì nền nếp học tập trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tận dụng tối đa "thời gian vàng" khi kiểm soát được dịch bệnh để tổ chức dạy và học tập trung tại trường.

Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp diễn biến dịch COVID-19 ảnh 1Học sinh lớp 1 học qua truyền hình. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Dạy học qua truyền hình

Hai tuần qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện dạy học qua truyền hình cho khối lớp 1, 2, 6 và dạy học trực tuyến cho các khối lớp còn lại. Đây là giải pháp phù hợp giúp học sinh không “quên” kiến thức khi tạm dừng đến trường để chống dịch COVID-19 và là cơ hội để giáo dục tính tự học cho học sinh.

Đối với việc học trên truyền hình, học sinh lớp 1 và 2 sẽ học hai môn Toán và Tiếng Việt; lớp 6 sẽ là các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý. Với thời lượng từ 20 đến 25 phút/tiết học, giáo viên tập trung dạy những kiến thức cần thiết nhất, thiết kế bài giảng phù hợp với tiết học nhằm đảm bảo chất lượng kiến thức truyền tải cho các em học sinh.

Với những kinh nghiệm từ năm học trước, việc triển khai dạy học truyền hình diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên không phải lứa tuổi nào cũng thích ứng được với hình thức mới này, đặc biệt là với học sinh lớp 1, lớp 2. Chính vì vậy, việc đồng hành của phụ huynh được xem là yếu tố then chốt giúp tạo môi trường học tập hiệu quả cho con em. Chị Lê Thúy Nga, trú tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế có con vào lớp 1 chia sẻ, cháu còn nhỏ nên rất bỡ ngỡ với việc học qua truyền hình; khả năng tập trung của cháu cũng chưa cao. Do vậy, gia đình cố gắng sắp xếp công việc để thay nhau học cùng con. Các bài giảng được lưu lại trên truyền hình nên khi nào có thời gian, phụ huynh có thể xem lại để học cùng con. Việc học qua truyền hình không đạt hiệu quả cao như học tại trường và phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, đây là giải pháp thay thế phù hợp và an toàn nhất cho các con thời điểm hiện tại.

Để việc học được hiệu quả, các thầy cô giáo cũng không ngừng thay đổi phương pháp dạy học để thu hút học sinh trong quá trình học. Đối với học sinh lớp 1, các giáo viên chỉ yêu cầu học sinh biết ghép vần, nắm bắt các mặt chữ và làm toán cơ bản. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phú, thành phố Huế, khối 3, 4 và 5 đã triển khai học trực tuyến từ năm học trước nên việc dạy và học diễn ra tương đối thuận lợi. Riêng đối với học sinh khối 1, 2 từ đầu năm học, các giáo viên thành lập các nhóm lớp thông qua ứng dụng mạng xã hội để trao đổi với phụ huynh về việc chuẩn bị sách vỡ, đồ dùng học tập cũng như một số thao tác, kỹ năng cần thiết khác. Bên cạnh đó, nhà trường bố trí 2 buổi tối trong tuần để giáo viên và học sinh, phụ huynh gặp mặt trực tuyến để giải đáp những thắc mắc trong quá trình học và có những chia sẻ để việc nâng cao hiệu quả việc học.

Việc triển khai dạy học trực tuyến và truyền hình, tương đối thuận lợi đối với học sinh thành phố và các vùng tiệm cận, có điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn chưa tiếp cận được việc học trực tuyến và học qua truyền hình do gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đường truyền, công nghệ thông tin. Vì vậy, nhiều trường học đã linh hoạt triển khai các biện pháp hiệu quả giúp học sinh tiếp thu kiến thức trong mùa dịch như hỗ trợ thiết bị học, giáo viên đến nhà kèm cặp cho các em.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang Võ Văn Thịnh, nhiều trường trên địa bàn huyện đang kêu gọi hỗ trợ máy tính cũ để sửa chữa tặng học sinh nghèo. Với những học sinh không có bất kỳ thiết bị kết nối internet nào, ngành Giáo dục yêu cầu nhà trường chuyển đổi bài học qua giấy để gửi về cho các em và sau đó, giáo viên sẽ trao đổi với học sinh bằng điện thoại. Để việc học từ xa bằng nhiều hình thức đạt hiệu quả, phụ huynh với giáo viên cần có sự phối hợp thường xuyên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cho biết, sau tuần đầu tiên triển khai dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã tổ chức đánh giá việc dạy học để có những điều chỉnh cơ bản nhằm khắc phục những khó khăn và nâng cao chất lượng dạy học qua các hình thức dạy học mới này. Những em không tham gia được các bài học trên truyền hình, sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng để bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chương trình.

Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp diễn biến dịch COVID-19 ảnh 2Bố trí ngồi học giãn cách để đảm bảo an toàn khi học trực tiếp tại điểm Trường THCS Quang Trung, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đảm bảo an toàn phòng dịch trong dạy học trực tiếp

Tranh thủ “thời gian vàng” khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các trường học trên địa bàn hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã tổ chức cho học sinh đến trường học tập trung. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, các trường học đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng dịch.

Tại Trường Trung học Cơ sở Quang Trung, đóng trên địa bàn xã biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới, cán bộ, giáo viên, học sinh đến trường được yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt và thực hiện các quy định phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trước ngày tổ chức đón học sinh trở lại, nhà trường tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh khuôn viên trường, lớp, các phòng chức năng.

Em A Viết Thị Kim Kiều, học sinh lớp 9/1, Trường Trung học Cơ sở Quang Trung chia sẻ, tuần học đầu tiên phải ở nhà học trực tuyến, bây giờ được trở lại trường học em rất vui. Việc học ở trên lớp cũng dễ dàng hơn khi ở nhà. Khi đến trường, học sinh được thầy cô giáo đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và phát khẩu trang miễn phí. Mỗi bạn đều có ly uống nước và khăn lau tay riêng.

Trường Trung học Cơ sở Quang Trung hiện có 259 học sinh. Để chuẩn bị cho ngày học tập trung ngoài công tác vệ sinh phòng dịch, phun khử khuẩn trường lớp, giáo viên nhà trường đã đi đến từng nhà để vận động học sinh đến trường đạt sỹ số 100%. Cô Trần Thị Tỷ Muội, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Quang Trung cho biết, công tác đảm bảo vệ sinh phòng dịch được nhà trường ưu tiên hàng đầu. Nhà trường bố trí đội ngũ nhân viên y tế đo thân nhiệt, sát khuẩn ngay từ cổng trường; bố trí các điểm sát khuẩn ở nơi dễ nhìn thấy để đảm bảo cho học sinh dễ sử dụng; đồng thời thường xuyên nhắc nhở các em công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, học sinh của trường 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện có khó khăn, nhà trường tổ chức cho mượn sách giáo khoa để đảm bảo kiến thức cho các em.

Huyện miền núi A Lưới hiện có 48 cơ sở giáo dục với khoảng 12.000 học sinh các cấp. Hiện nay, các trường học từ bậc Tiểu học đến Trung học Phổ thông đã đủ điều kiện cho học sinh trở lại trường, riêng bậc mầm non chưa tổ chức đến trường vì nhiều trường đang được tận dụng làm khu cách ly. Các trường học đều chú trọng tiến hành tổng vệ sinh phun khử khuẩn, trang bị đầy đủ các dụng cụ nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, hạn chế các hoạt động ngoài trời, không tụ tập đông người.

Theo ông Trần Viết Văn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, các trường học trên địa bàn đã học tập trung trở lại và lên phương án củng cố kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn huyện chuẩn bị sẵn sàng các phương án dạy học trực tuyến và qua truyền hình nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa đến 50% học sinh trên địa bàn huyện đủ điều kiên về trang thiết bị, máy móc để học trực tuyến và học qua truyền hình, đặc biệt là hai xã Hồng Thủy và A Roàng có khoảng 15% học sinh đáp ứng đủ điều kiện để học trực tuyến. Ngành Giáo dục huyện mong muốn các cấp ngành hỗ trợ thêm thiết bị, cũng như hạ tầng về mạng internet và phủ sóng truyền hình đến vùng sâu vùng xa, để hỗ trợ cho việc học của học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy học trực tiếp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định “5K”, thực hiện giãn cách trong lớp học không để xảy ra lây lan dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị phương án giảng dạy phù hợp nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức rà soát những học sinh gặp khó khăn trong học tập để có phương án hỗ trợ kịp thời; kêu gọi các tổ chức cá nhân hỗ trợ máy móc, trang thiết bị học tập, phủ sóng truyền hình phục vụ việc dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình cho học sinh.

Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp diễn biến dịch COVID-19 ảnh 3Học sinh học trực tuyến qua máy tính. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, phong tỏa. Vì vậy, song song với việc tranh thủ địa bàn an toàn để dạy học trực tiếp, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Sở xây dựng kế hoạch biên soạn chương trình dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và phát sóng đảm bảo xuyên suốt đến khi nào 100% học sinh trên địa bàn tỉnh đi học tập trung trở lại. Đồng thời, ngành Giáo dục sẽ duy trì phương pháp dạy học trực tuyến để hỗ trợ việc dạy học trực tiếp trên lớp của học sinh.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm