Xuất thân từ một người làm du lịch nhưng “cơ duyên” đã đưa ông Đặng Uyển ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) gắn bó với xưởng sản xuất ngói gốm và đã phục chế thành công những viên ngói tráng men hoàng lưu ly và thanh lưu ly, một loại ngói được lợp trên mái của các cung điện xưa. Trên hành trình đến với nghề ngói gốm cung đình gặp không ít lần thất bại, nhưng bằng tình yêu nghề và yêu văn hóa truyền thống dân tộc, ông Đặng Uyển đã vực dậy xưởng gốm thành công, tạo ra những viên ngói chất lượng cao, góp phần vào quá trình trùng tu những công trình di tích quan trọng thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới.
Tìm ra “bài thuốc men” cổ
Ấn tượng và nét đặc trưng riêng có ở các công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn hiện nay chính là phần mái ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Màu sắc của những viên ngói không chỉ thể hiện cho sự phân biệt quyền lực tối cao của nhà vua, mà còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ và triết lý sâu xa.
Theo Tiến sĩ Lê Thị An Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lưu ly là tên gọi của viên ngọc quý ở vùng Trung Á và triều Nguyễn đã dùng tên đó để đặt tên cho hai loại ngói hoàng lưu ly (ngói tráng men màu vàng) và thanh lưu ly (ngói tráng men màu xanh lục). Kết cấu của ngói lưu ly cũng chính là loại ngói âm dương trong văn hóa người Việt, thể hiện mối quan hệ giữa trời và đất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học nghệ thuật Huế cho rằng, thông qua loại ngói được lợp cho thấy vị trí, chức năng, tầm quan trọng của mỗi công trình. Cụ thể, những vị trí nhà vua thường ngự sẽ được lợp ngói hoàng lưu ly bởi màu vàng là biểu tượng của Thiên tử, của ánh sáng. Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi trong thuyết Ngũ hành vị trí của vua luôn ở trung tâm, ở giữa thiên hạ, vị trí cao nhất và vì vậy mà tất cả những gì liên quan đến nhà vua như trang phục, vật ngự dùng và ngay cả mái ngói trên cung điện cũng đều có màu vàng. Ngược lại, ngói thanh lưu ly với màu xanh lục được lợp ở các mái phụ hoặc trên công trình dành cho quan lại, hoàng thân.
Để làm lên những viên ngói với ý nghĩa biểu tượng cao như vậy, người thợ ở những lò gốm cung đình xưa phải trải qua rất nhiều công đoạn, với những bí quyết riêng có mà đa phần đến thời đại hiện nay đã bị thất truyền, nhất là cách pha chế nước men tạo màu sắc đặc trưng của ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly.
Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển nằm trên một khu đất rộng ở phường Xuân Phú, thành phố Huế. Gần đến Tết Nguyên đán, các lò nung tại xưởng luôn đỏ lửa ngày đêm để kịp cho ra lò những mẻ ngói cung đình cung cấp cho khách hàng gần xa. Tuy nhiên, ít người biết rằng xưởng gốm này từng đứng trước nguy cơ phải giải thể, đóng cửa do sản phẩm không tìm được thị trường đầu ra, phải chất thành từng đống trong nhà kho, nhiều người thợ lành nghề đã phải bỏ xưởng đi tìm công việc khác. Trong thời điểm khó khăn nhất, năm 2015, ông Đặng Uyển đã được giao làm Giám đốc xưởng sản xuất ngói gốm, đó cũng là hành trình vực dậy, tìm ra hướng đi để xưởng chuyên đi sâu sản xuất các loại ngói gốm tráng men cung đình cao cấp.
Trong khu vực “bí mật” nhất ở Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế là phòng pha chế men, chỉ có ông Đặng Uyển và một vài người thợ chính mới có nhiệm vụ làm việc tại đây. Trước đó, từ một người tay ngang chuyển qua lĩnh vực gốm, ông Uyển vừa phải tự học hỏi từ chính những công nhân của mình, vừa đi đến nhiều làng gốm cổ trong nước như làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội để “tầm sư học đạo”. Bên cạnh đó, ông cũng tham khảo nhiều tư liệu lịch sử quý từ các nhà nghiên cứu Huế, qua đó đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu đối với nghề.
“Bí quyết tạo ra màu vàng và màu xanh lục trên viên ngói cung đình quyết định bởi công thức pha chế men, giống như cách bốc thuốc. Đối với bài thuốc men cung đình là sự kết hợp của chín thành phần, gồm đất sét, đá xay, cao lanh, các loại màu tổng hợp… Tất cả được đong đếm bằng cân tiểu ly, theo một tỷ lệ chuẩn nhất định mới thành công. Chẳng hạn, nước men khi pha chế có màu trắng khi tráng lên viên ngói và nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C sẽ tạo ra màu vàng; tương tự nước men màu đỏ kết hợp ở nhiệt độ cao lại tạo ra màu xanh lục. Khi ra lò các viên ngói còn có những vết chân rạn bên trong nước men, làm cho viên ngói như được phủ thêm lớp màu của thời gian”, ông Đặng Uyển nói.
Hiện nay, nhiều công đoạn sản xuất ngói của xưởng đã được đầu tư máy móc hiện đại, kết hợp với bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, góp phần nâng cao chất lượng, sự đồng đều của từng viên ngói, qua đó đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình trùng tu di tích. Các lò nung gốm cũng được chuyển đổi từ lò đốt củi sang công nghệ lò nung bằng ga để bảo vệ môi trường.
“Với lò nung bằng ga, người thợ có thể điều khiển được nhiệt độ phù hợp để đất sét và nước men cùng tan chảy thành một khối kết dính trong một thời điểm, qua đó tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa dầm ở xứ Huế. Thời gian nung ngói trong lò kéo dài 24 giờ đồng hồ, sau đó phải mất 3 ngày để nhiệt độ trong lò hạ xuống thấp bằng với nhiệt độ bên ngoài, từ đó mới đưa sản phẩm ra ngoài. Một viên ngói đẹp không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn màu men, họa tiết hoa văn mà còn ở tiếng kêu đanh chắc khi gõ nhẹ trên từng viên ngói”, ông Đặng Uyển chia sẻ.
Góp phần “hồi sinh” các di tích
Cố đô Huế là mảnh đất của những di sản vật thể và phi vật thể, với 5 di sản văn hóa thế giới được Tổ chức UNESCO vinh danh, nổi bật nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ngoài ra, địa phương còn có gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 89 di tích cấp quốc gia. Trải qua sự thăng trầm của thời gian, những công trình kiến trúc độc đáo hàng trăm năm tuổi dần bị xuống cấp, đòi hỏi cần có sự trùng tu kịp thời.
Những năm gần đây, nhiều công trình kiến trúc quan trọng thuộc Quần thể Di tích Huế đã được trùng tu, tôn tạo, góp phần từng bước lấy lại diện mạo của kinh đô xưa. Các sản phẩm ngói tráng men hoàng lưu ly và thanh lưu ly ở Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lựa chọn lợp trên mái của nhiều di tích như cửa Ngọ Môn, lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Dục Đức, Trường Lang, Nhật Thành Lâu, cầu ngói Thanh Toàn, Bia Quốc học… Hiện tại, Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế đang cung cấp ngói để trùng tu di tích Đàn Nam Giao và sắp tới là Điện Thái Hòa, một công trình quan trọng bậc nhất trong khu vực Đại Nội.
Trước mỗi dự án nhận cung cấp vật liệu ngói trùng tu cho di tích, ông Đặng Uyển đều tham khảo qua các tư liệu lịch sử, bởi loại ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly thể hiện sự trang trọng, mạnh mẽ, mang phong cách của chủ nhân ở triều đại đó. Đồng thời, những viên ngói này còn chứa đựng tinh thần tự chủ, tự lập đối mặt với gió mưa và ánh men của những viên ngói tôn thêm sự vững chãi cho mỗi công trình.
“Điện Thái Hòa là nơi nhà vua ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế triều đại nhà Nguyễn. Do sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình, tháng 11/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, kéo dài khoảng bốn năm. Với tầm quan trọng của công trình này nên công tác nghiên cứu tư liệu và tuyển chọn nguyên vật liệu được xưởng chuẩn bị từ sớm để có thể cung cấp sản phẩm ngói và họa tiết trang trí bằng gốm tráng men chất lượng cao nhất cho công trình. Theo tính toán ban đầu, xưởng sẽ phải mất một năm để cho ra lò những viên ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly, cùng nhiều hoa văn họa tiết trang trí để phục vụ trùng tu Điện Thái Hòa”, ông Đặng Uyển nói.
Trong kiến trúc ở các cung điện xưa, phần mái có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài chức năng bao che, phần mái chính là diện mạo, sắc thái và điểm nhấn của công trình. Trong khu vực Hoàng Thành Huế, ngói hoàng lưu ly được lợp cho những công trình ở trục Trung đạo và Dũng đạo, còn ngói thanh lưu ly được lợp trên những công trình phụ xung quanh. Mái của các cung điện sẽ được lợp bởi bốn lớp ngói khác nhau, lớp cuối cùng giáp với phần rui gỗ là lớp ngói liệt chiếu được tráng men vàng với chức năng trang trí cho mặt dưới của hệ thống mái, tiếp đến là lớp ngói liệt để tạo mặt phẳng cho mái, bên ngoài là lớp ngói âm xếp chồng lên nhau như máng nước nhỏ để thoát nước mưa và gắn kết trên cùng là lớp ngói ống dương.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Di tích Cố đô Huế cho biết, mái ngói giữ chức năng che chắn cho hệ thống kết cấu gỗ của công trình di tích. Nếu những viên ngói lợp chất lượng không đảm bảo, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Huế, nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài sẽ là tác nhân dẫn đến làm bong tróc lớp men trên mặt ngói, khiến cho nước mưa lâu ngày thấm dột làm công trình nhanh xuống cấp. Trước đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có một lò ngói gốm thủ công, nhưng quá trình hoạt động rơi vào suy thoái phải đóng cửa. May mắn hiện nay tại thành phố Huế có Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế chuyên cung cấp các sản phẩm ngói gốm tráng men chất lượng cho các dự án trùng tu của đơn vị.
Trung bình mỗi năm, Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế đưa ra thị trường từ 5 – 7 triệu viên ngói tráng men các loại. Ngoài cung cấp vật liệu trùng tu tại địa phương, khoảng 40% trong số này được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở ven biển miền Trung cũng đã tìm đến và đặt mua sản phẩm ngói cung đình của xưởng. Ông Mark Smith, Chủ dự án xây dựng một khu nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Nẵng cho biết: “Khu nghỉ dưỡng của chúng tôi lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc ở Lăng Minh Mạng. Để chuẩn bị thực hiện dự án, chúng tôi đã đi tìm hiểu nhiều xưởng sản xuất gốm ở khắp nơi và thấy rằng những viên ngói ở Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế có nước men rất đẹp giống như vật liệu được trang trí trên Lăng Minh Mạng, cùng đội ngũ thợ lành nghề và một quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đó là điều chúng tôi rất ấn tượng và sẽ là yếu tố để chúng tôi cân nhắc hợp tác đặt mua sản phẩm phục vụ cho công trình”.
Trên hành trình “giữ lửa” lò ngói gốm men cung đình, ông Đặng Uyển cũng có không ít những trăn trở để mở rộng thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm nguồn nguyên liệu đất sét bền vững hay công việc truyền nghề… Nhưng trên tất cả, động lực lớn nhất cũng là niềm hạnh phúc và tự hào đối với người đàn ông ngoài tuổi lục tuần này là được ngắm nhìn những viên ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly của xưởng được lợp trên những mái cung điện, lăng tẩm rêu phong, góp phần giữ gìn “hồn cốt” của di sản Huế mà tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đỗ Trưởng