Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông

Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông

Mưa lớn kéo dài trong 10 ngày qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp hơn, đe dọa đến cuộc sống và sản xuất của nhiều hộ dân ở khu vực ven sông.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Cửu Tổng, sống cạnh bờ sông Bạch Yến (thuộc Tổ dân phố Long Hồ Hạ 2, phường Hương Hồ, thành phố Huế) khẩn trương đóng cọc tre, đắp đất, kè đá để gia cố tạm thời khu vực sạt lở cạnh nhà. Trận mưa lớn từ đêm 13/10, cùng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến vườn của gia đình ông Cửu bị sạt lở dài khoảng 50m và ăn sâu hơn 20m. Hàng chục cây xanh, cây ăn quả lâu năm bị cuốn vào lòng sông Bạch Yến tạo thành các hố hàm ếch rất nguy hiểm.

Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông ảnh 1Sạt lở tạo thành các hố hàm ếch rất nguy hiểm, người dân phải cắm cọc tre, gia cố tạm thời. Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Ông Nguyễn Cửu Tổng chia sẻ, sạt lở bờ sông càng ngày càng nghiêm trọng, khu vực sạt lở đất chỉ cách mép nhà chừng 10 mét. Những ngày qua, cả gia đình ông luôn thấp thỏm lo âu, sợ mất đất, mất nhà. Ông mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục để người dân an tâm sinh sống.

Tại Tổ dân phố Long Hồ Thượng 2, phường Hương Hồ, một đoạn bờ sông Hương đã bị sụt lún và cuốn trôi nhiều diện tích đất vườn, bờ tường, công trình với chiều dài hơn 70m, uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, tại khu vực Tịnh thất Phước Thiện Lan Nhã, sạt lở ăn sâu vào hơn 10m, cuốn trôi nhà bếp cùng hệ thống bậc cấp và nhiều cây xanh. Mặc dù chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tuy nhiên người dân sống ở khu vực này cũng không khỏi nơm nớp lo sợ, nhất là khi mới bước vào mùa mưa bão.

Cư sĩ Thích Nhất Thiện, Tịnh thất Phước Thiện Lan Nhã cho biết, sạt lở bờ sông đã ăn sâu ảnh hưởng đến nền móng, sân vườn của Tịnh thất và các lối đi của các hộ dân xung quanh. Mọi người sống ở khu vực này hết sức lo lắng. Đề nghị chính quyền địa phương sớm hỗ trợ triển khai xây dựng bờ kè kiên cố để giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Kịp thời xử lý các điểm sạt lở

Thống kê của UBND phường Hương Hồ, thành phố Huế, sau đợt mưa lớn vừa qua, địa phương xuất hiện 7 điểm sạt lở ven sông Hương và sông Bạch Yến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông. Ngoài ra, một số tuyến đường dân sinh dọc bờ sông bị nứt gãy, sụt trượt ta luy bờ kè gây hở hàm ếch; sạt lở đất và nguy cơ sạt lở đất núi tại Tổ dân phố Xước Dũ.

Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ, thành phố Huế Trần Đình Long cho biết, sau các đợt mưa lớn, UBND phường đã cử lực lượng xung kích kiểm tra, nắm tình hình và cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở; kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản, vận động người dân thực hiện các biện pháp khắc phục, gia cố tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời, địa phương báo cáo UBND thành phố Huế cùng các cơ quan chức năng để tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, mức độ nguy cơ sạt lở, từ đó có hướng đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở, đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Từ ngày 8 - 18/8, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa và mưa rất lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000-1.300mm, đặc biệt tại trạm Bạch Mã trên 1.600mm; trạm Quảng Phú, huyện Quảng Điền 1.400mm. Mưa lớn đã khiến tình hình sạt lở bờ sông trên các sông Hương, sông Bồ và hệ thống sông nhánh trên địa bàn tỉnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông ảnh 2Sạt lở bờ sông Bạch Yến đoạn qua phường Hương Hồ, thành phố Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có gần 40 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 21km. Chỉ tính riêng đợt mưa lớn vừa qua, bờ sông Hương tiếp tục sạt lở với chiều dài khoảng 5km; sông Bồ bị sạt lở đoạn qua thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền với chiều dài khoảng 9,5km; các sông Ô Lâu, Bạch Yến, Bù Lu, Nước Ngọt, Phú Bài và sông Vực cũng bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 5km. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng khiến đoạn kè cuối sông Bù Lu đã gia cố năm 2020 bị sụt lún, gãy với chiều dài 150m, nhiều tuyến đường dân sinh dọc bờ sông bị nứt gãy.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Đặng Văn Hòa cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến các khu dân cư, hệ thống cơ sở hạ tầng và người dân. Đơn vị đã yêu cầu các địa phương có biện pháp bố trí rào chắn, biển báo tại các đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực; đồng thời có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, trong khu vực sạt lở khi có mưa bão đến.

Trong nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng hàng chục km kè bờ sông, góp phần ổn định được cuộc sống người dân, bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và diễn biến thiên tai khó lường, khiến tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp. Để đảm bảo an toàn, trước khi có bão lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên thông báo, cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh - trong đó có sạt lở bờ sông, cho các địa phương chủ động phương án ứng phó và di dời dân trong trường hợp cần thiết. Tỉnh đang chú trọng đầu tư các công trình nằm ở vùng trọng điểm, xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; bố trí tái định cư cho người dân khu vực bị sạt lở ven sông.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm