Nhà văn hóa cộng đồng ở xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế được xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến từ nay đến năm 2020 huy động 7.220 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2020 có 61 trong số 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng năm 2018, tỉnh huy động 1.778,9 tỷ đồng đầu tư cho chương trình; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 123,9 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 350 tỷ đồng; vốn lồng ghép 200 tỷ đồng; vốn tín dụng 1.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế 30 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp 75 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phấn đấu tăng thêm ít nhất 10-12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 54-56 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 51,9%-53,8% tổng số xã. Thị xã Hương Thủy phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019; các huyện Quảng Điền và huyện Nam Đông phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã đã đạt chuẩn phải tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với nhất là các tiêu chí đã có điều chỉnh nâng cao như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật..., nhằm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong số các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương tiếp tục phấn đấu để có ít nhất từ 1-2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Là một trong hai huyện điểm xây dựng nông thôn mới, cùng với huyện Nam Đông, hiện Quảng Điền đang duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đối với 5 xã: Quảng Phú, Quảng Công, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh. Huyện chọn 2 xã Quảng Thọ và Quảng Phú xây dựng xã điểm nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng các mô hình thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Quảng Điền là thực hiện theo trình tự các tiêu chí "dễ làm trước khó làm sau"; các tiêu chí không cần hoặc ít nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai thực hiện trước. Đối với các tiêu chí liên quan đến đầu tư hạ tầng như: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa,… cần đặt mục tiêu lâu dài; tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cần có bước đi phù hợp để bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư. Yêu cầu rà soát là không đặt ra nhu cầu quá cao đối với các tiêu chí, mà trong giai đoạn trước mắt chỉ cần đặt ra mức tối thiểu để phấn đấu, ưu tiên phát triển như giao thông vào khu sản xuất và hệ thống thủy lợi để phát triển sản xuất. Huyện Quảng Điền tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng việc lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng công nghệ cao và phù hợp với từng địa phương, có triển vọng nhân rộng và có thị trường; huy động, lồng ghép, bố trí nguồn lực cho chương trình để bảo đảm mục tiêu đề ra; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực; huy động nguồn lực tại chỗ, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời làm tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cấp thiết nhất phục vụ sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, xã hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, xã đã chọn 2 thôn La Vân Hạ và Phước Yên làm điểm xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu và vườn mẫu. Theo đó, các thôn tiến hành nâng cấp, vệ sinh các tuyến đường xóm, xây dựng hệ thống tường rào, bờ dậu sạch đẹp. Nhiều hộ còn trồng hoa làm đẹp dọc vườn nhà, đường làng. Các mô hình kinh tế được chia sẻ, nhân rộng; riêng tại Phước Yên hiện có 6 vườn được chọn làm mẫu. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thọ là 36 triệu đồng/người/năm, thu nhập chính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ với một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống, rau má. Năm 2019, xã Quảng Thọ sẽ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến nâng cao thu nhập của người dân địa phương từ nông nghiệp...
Quốc Việt