Thừa Thiên - Huế: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên giới

Thừa Thiên - Huế: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên giới

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Chương trình nhân văn

Cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, chúng tôi đến thăm gia đình em A Viết Thị Tuyền (học sinh lớp 7, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Trường Sơn, huyện A Lưới). Gia đình Tuyền thuộc diện hộ nghèo của xã Đông Sơn, bố bị bệnh, không thể đi lại hơn 14 năm nay, mẹ bỏ đi khi em vừa tròn một tháng tuổi. Gánh nặng gia đình đè lên vai bà của em. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của Tuyền, năm 2019, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa Khẩu A Đớt đã nhận đỡ đầu để Tuyền có điều kiện tiếp tục được đến trường.

Thừa Thiên - Huế: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên giới  ảnh 1Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm hỏi, động viên em Hồ Thị Minh tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới - một trong những học sinh được hỗ trợ qua chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Anh A Viết Phương, bố của Tuyền chia sẻ, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các con thiếu thốn trong học tập và cuộc sống. Được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, con đường đến trường của Tuyền đã thuận lợi hơn. Cùng với kinh phí 500.000 đồng hàng tháng, các chiến sỹ Biên phòng còn tặng quần áo, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập.

Hoàn cảnh của em Hồ Thị Minh (học sinh lớp 10 Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Trường Sơn, huyện A Lưới) rất khó khăn. Bố mẹ không có việc làm ổn định lại thường xuyên đau ốm, Minh đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Cách đây 5 năm, thông qua chương trình "Nâng bước em tới trường", Đồn Biên phòng Cửa Khẩu A Đớt đã nhận “đỡ đầu”, giúp Minh viết tiếp ước mơ. Từ một học sinh trung bình, hai năm học vừa qua, Minh đã phấn đấu đạt học sinh giỏi.

Hồ Thị Minh rất vui và biết ơn khi được các chú Bộ đội Biên phòng hỗ trợ kinh phí, đồ dùng học tập và thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ nhiều kiến thức, bài học về cuộc sống. Sự quan tâm, giúp đỡ của các chú là động lực để em nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Thừa Thiên - Huế: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên giới  ảnh 2Em Hồ Thị Minh, học sinh trường THCS và THTP Trường Sơn được nhận hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường” nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường". Triển khai từ năm 2014, đến nay, đơn vị đã hỗ trợ hơn 40 học sinh là con em của các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt Phạm Văn Tuấn cho biết, thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã tự nguyện trích tiền lương của mình để hỗ trợ các em học sinh với mức 500.000 đồng/tháng. Đơn vị sẽ tiếp tục huy động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các em.

Ươm mầm xanh nơi vùng biên

Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 18 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình hiểm trở, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều trường hợp học sinh có nguy cơ phải bỏ học. Thế nhưng, nhờ có sự “tiếp sức” của lực lượng Bộ đội Biên phòng, các em tiếp tục hoàn thành ước mơ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới Hồ Văn Khởi cho biết, “Nâng bước em tới trường” không chỉ giúp hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được tiếp tục đến trường mà còn tiếp thêm nghị lực để các em tự giác vươn lên, chuyên cần hơn trong học tập. Cùng với hỗ trợ kinh phí, các đồn Biên phòng thường xuyên cử cán bộ đến tận nhà nắm tình hình học tập, rèn luyện của các em. Nhờ vậy, kết quả học tập của các em tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, chương trình đã nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình.

Thừa Thiên - Huế: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên giới  ảnh 3Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng giấy khen cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập thuộc chương trình " Nâng bước em tới trường’’. Ảnh: TTXVN phát

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chương trình “Nâng bước em tới trường” được thực hiện từ năm 2014 tại địa bàn các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa ở huyện A Lưới, sau đó mở rộng trên địa bàn biên giới toàn tỉnh. Để chương trình đạt hiệu quả, các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường khảo sát, xây dựng kế hoạch thực hiện, lựa chọn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đến nay, hơn 250 học sinh đã được nhận hỗ trợ từ chương trình với nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng do các cán bộ, chiến sỹ tự nguyện đóng góp. Năm học 2023 - 2024 có 63 học sinh được hỗ trợ từ chương trình.

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định qua gần 10 năm thực hiện, chương trình "Nâng bước em tới trường" góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, ươm mầm tri thức và phát triển giáo dục vùng cao; đặc biệt thắt chặt tình quân dân và xây dựng thế trận lòng dân khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Nhiều học sinh đã phấn đấu học tập tốt và trở thành giáo viên, y tá, y sĩ và sỹ quan Bộ đội Biên phòng trở về phục vụ cho bản làng. Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, cộng đồng, đặc biệt là ngành Giáo dục huy động thêm các nguồn lực thực hiện chương trình.

Cùng với “Nâng bước em đến trường”, từ năm 2021, lực lượng Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tích cực triển khai có hiệu quả dự án “Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nâng bước em đến trường” do Bộ Quốc phòng phát động. Trong 2 năm học qua, 271 học sinh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa đã được hỗ trợ với mức 7,4 triệu đồng/học sinh/năm học; tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục vận động nhân dân cho con đi học, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, vận động học sinh bỏ học trở lại trường... Từ tấm lòng nhân ái của những chiến sỹ mang quân hàm xanh, bước chân đến trường của học sinh vùng biên giới đã bớt gập ghềnh, góp phần khẳng định phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, gắn kết tình quân dân nơi phên dậu của Tổ quốc.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm