Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho người hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hoá. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho người hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hoá. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Thanh Hóa nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc – Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sáng 25/1 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã thăm, chúc Tết, nói chuyện với hội viên câu lạc bộ Hàm Rồng; tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho Câu lạc bộ Hàm Rồng. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Phát biểu tại các sự kiện nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị; tổ chức 7 hội nghị lớn toàn quốc...

Trong bối cảnh đó, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc.

Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới; kinh tế từng bước phục hồi, phát triển và đạt được kết quả rất đáng trân trọng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; GDP cả năm tăng 2,58%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều tiến bộ. Tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao.

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được coi trọng. Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người mắc COVID-19 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Cả nước đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc Tết các hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trong thành tựu chung của các nước có sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng cho rằng, thành công trên là do sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, có sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. “Càng khó khăn, phức tạp, càng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau, giữ đúng nguyên tắc hoạt động, lãnh đạo của Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số, người đứng đầu chịu trách nhiệm trước quyết định của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, năm 2022 có thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng chúng ta phải tập trung chống dịch, để phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời phát triển kinh tế-xã hội để có nguồn lực phòng, chống dịch. Trước mắt thần tốc, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine; tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết vui tươi, tình nghĩa, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh đông dân nên phải khai thác lợi thế này, cùng với phát huy truyền thống lịch sử hào hùng và các tiềm năng, thế mạnh khác để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống của người dân Thanh Hóa ngày càng ấm no, hạnh phúc...

Với các hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng - nơi quy tụ cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ trung, cao cấp của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các hội viên của Câu lạc bộ mặc dù đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ cống hiến; luôn giữ được truyền thống cách mạng, phát huy trí tuệ, tinh thần, tình cảm, đóng góp cho gia đình và xã hội...

Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm cả về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để các hội viên Câu lạc bộ hoạt động bổ ích, tích cực, góp phần vào quá trình phát triển, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu và góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng Chính phủ thông báo với các hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng về tình hình phát triển đất nước trong năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.

Cùng ngày, Thủ tướng đi thăm và tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 của thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Quảng Xương và Nhà máy may Sakurai Việt Nam ở Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu một số trọng tâm tỉnh Thanh Hóa cần lưu ý, như phải làm tốt hơn nữa 3 trụ cột an sinh xã hội là phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro; quan tâm hơn nữa công tác xây dựng nhà ở cho công nhân với việc tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực… “Quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có công nhân, người lao động”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị nhân dân, người lao động chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục hăng hái lao động, sản xuất, vui Xuân, đón Tết với tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển ảnh 4Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hoá. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh Hóa cần phát huy truyền thống lịch sử, tiềm năng, thế mạnh để phát triển ảnh 5Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho người hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hoá. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Đặc biệt là công nhân lao động nghiêm túc chấp hành tốt kỷ luật lao động, làm việc với năng suất, chất lượng cao; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, đóng góp tích cực cho địa phương, doanh nghiệp ngày càng phát triển, đưa đất nước đi lên giàu mạnh, hội nhập.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm