Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là nhằm huy động sự đóng góp, tư vấn của các nhà quản lý, nhà khoa học để đưa ra quyết định đúng đắn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của đất nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Thủ tướng nêu rõ: Việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện thông qua việc Ban hành Chương trình hành động, xây dựng Luật trình Quốc hội, Nghị định, Thông tư hướng dẫn với tinh thần nghiêm túc, cầu thị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia có sự gắn kết, không thể tách rời. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệp hội các trường Đại học cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam nghiên cứu kỹ, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế để chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và xu thế tiến bộ của thế giới, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đây là vấn đề hết sức căn cơ, điều cơ bản nhất để hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta trong thời gian tới. Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, làm tốt vấn đề này sẽ tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Xung quanh việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục làm quyết liệt; cố gắng hoàn thiện Đề án và kế hoạch đã đề ra để có sách giáo khoa và chương trình phù hợp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá sơ bộ và báo cáo lên Chính phủ, Trung ương về công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, nhìn nhận những điểm thuận lợi, hạn chế trong việc tổ chức Kỳ thi. Qua thực tiễn và kinh nghiệm của việc tổ chức Kỳ thi năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trình kế hoạch thực hiện, sớm thông báo những điểm đổi mới của Kỳ thi 2016 để người dân được biết. Việc tổ chức Kỳ thi năm 2016 cần rút kinh nghiệm, phát huy những điểm tốt, khắc phục hạn chế, theo mục tiêu đã đề ra là đánh giá đúng trình độ của học sinh; giảm áp lực, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình; phát huy quyền tự chủ của các trường đại học…/.