Mô hình trồng dưa leo ở xã Bàn Thạch. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Cách đây hơn hai mươi năm, một số hộ dân ở xã Bàn Thạch đã trồng dưa leo và bước đầu có được thu nhập đáng kể, giúp cải thiện đời sống gia đình. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bàn Thạch Trần Văn Bì cho biết, nhận biết được tình hình này và để tạo một mô hình kinh tế ổn định cho nông dân địa phương, chính quyền xã đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hợp tác xã. Năm 2006, Tổ hợp tác trồng màu Thịnh Phát được thành lập và tới năm 2011 phát triển thành hợp tác xã.
Ban đầu chỉ có 5 thành viên tham gia với quy mô canh tác dưa leo khoảng 6 công (1 công = 1.296 m2), đến nay Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát đã tăng lên 32 thành viên, quy mô 19,5 ha nhờ hiệu quả sản xuất ngày càng ổn định.
Theo Giám đốc Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát Trần Văn Đắc, khu vực xã Bàn Thạch có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng dưa leo. Vùng đất này chủ yếu là loại đất sét, nguồn nước lại khá ổn định, thuận lợi cho dưa leo phát triển.
Thời gian đầu, tuy có nhiều hộ trồng dưa leo nhưng còn rải rác, bà con vẫn còn trồng lúa nhiều. Từ khi tham gia hợp tác xã, nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích canh tác sang trồng dưa leo. Bước đầu, nhiều hộ gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật sản xuất, nhưng các thành viên có kinh nghiệm trong hợp tác xã đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của mình cho các thành viên mới tham gia. Nhờ vậy, sau một thời gian, nông dân tham gia hợp tác xã đã học hỏi được kỹ thuật canh tác, cách chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để quá trình sản xuất đi vào ổn định.
Tùy theo từng thời điểm, giá dưa leo dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, có khi nhiều hơn. Các hộ nông dân trồng dưa leo ở xã Bàn Thạch canh tác 4 vụ/năm với năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/công. Sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, lợi nhuận đạt khoảng 20 triệu đồng/công/năm. Hầu hết các thành viên tham gia Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát đều có nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành, kinh tế gia đình ổn định.
Tiêu biểu có ông Tăng Trường Thành, ấp Láng Sơn, xã Bàn Thạch, từ một hộ có kinh tế trung bình, nhờ áp dụng mô hình trồng dưa leo, gia đình ông đã vươn lên thành hộ khá tại địa phương. Hiện với 11 ha canh tác dưa leo, thu nhập gia đình ông bình quân đạt khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, chưa kể ông còn trồng một số loại rau màu khác.
Ông Huỳnh Văn Lai, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Láng Sơn cho biết, ông Thành giàu kinh nghiệm trong việc canh tác dưa leo và đã giúp đỡ rất nhiều cho bà con về kỹ thuật canh tác, chăm sóc quá trình sinh trưởng của dưa leo. Vào mùa vụ, ông Thành còn thuê thêm nhiều nhân công để chăm sóc, thu hoạch dưa leo, giúp ích cho việc giải quyết việc làm tại địa phương.
Sản phẩm dưa leo của nông dân xã Bàn Thạch được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trần Văn Đắc cho biết, nhu cầu thị trường cần quanh năm nên đầu ra của hợp tác xã luôn ổn định. Với tổng diện tích 19,5 ha canh tác dưa leo, Hợp tác xã trồng màu Thịnh Phát chia đều làm 3 đợt sản xuất xoay vòng, 6,5 ha/đợt, đảm bảo hàng tháng có dưa leo cho thu hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Thực tế, mô hình trồng dưa leo không chỉ phát triển ở Bàn Thạch, nhiều năm qua còn được các hộ dân ở các vùng lân cận học hỏi, áp dụng, trở thành một mô hình sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bàn Thạch Trần Văn Bì, hợp tác xã hàng tháng đều tổ chức họp xã viên để tính toán thời điểm xuống giống, cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác để luôn đạt hiệu quả sản xuất cao nhất. Hàng năm, chính quyền xã Bàn Thạch đề nghị ngành nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông huyện Giồng Riềng tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi khoa học kỹ thuật, tập huấn về quy trình sản xuất theo hướng an toàn VietGAP cho nông dân tham gia. Qua đó, giúp bà con nhận thức được việc sản xuất của mình luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Có như vậy mới đảm bảo uy tín sản phẩm, giúp nông dân trồng dưa leo luôn thu nhập ổn định.
Hồng Đạt