Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đang đến gần, tuy nhiên, không khí mua bán tại các vườn, nương và đồi trồng đào của người dân tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La rất ảm đạm, khiến người trồng thấp thỏm, lo lắng. Bởi cành và cây đào là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mỗi dịp Tết đến.
Hiện nay, diện tích trồng cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 5.000 ha, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn trồng trên nương, đồi và vườn nhà. Riêng huyện Vân Hồ có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào; trong đó có hơn 500 ha đào bán vào dịp Tết Nguyên đán. Cành và cây đào trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.
Lóng Luông là một trong những xã có diện tích trồng đào lớn nhất huyện Vân Hồ. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng nhiều đào. Riêng năm 2020, xã đã trồng mới hơn 20 ha, nâng tổng diện tích đào trồng của địa phương lên hơn 500 ha. Trước đây, người dân ở đây chỉ trồng cây ngô, cây dong, cây đào chỉ để ăn và bán quả. Nhưng những năm trở lại đây, nhu cầu mua cành đào để chơi dịp Tết ngày càng nhiều, cây đào đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng nâng lên. Nhiều hộ gia đình thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm.
Vào thời điểm này hằng năm, thương lái ở các tỉnh dưới xuôi như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh… lên mua đào rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay, sức mua giảm do kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với thời tiết không thuận lợi, đào nở sớm và chất lượng, hình thức không đẹp bằng những năm trước.
Anh Tếnh A Phúc ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết, gia đình anh sống ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng đào bán cành. Năm nay, thương lái ở dưới xuôi lên thu mua ít nên không bán được nhiều, gia đình anh và người dân hiện rất lo lắng.
Anh Giàng A Sông, ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ, anh bắt đầu buôn bán đào từ năm 2005, như mọi năm, vào thời điểm này cả bản đã chặt đào để bán, nhưng năm nay chưa thấy ai ra đường bán. Anh là người đầu tiên trong bản chặt cành đào mang ra Quốc lộ 6 bán và có một số khách hỏi mua, nhưng họ lo ngại trong việc vận chuyển nên chưa bán được.
Theo ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, những năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán người dân lựa chọn những cành đào đẹp để mang ra Quốc lộ 6 và những điểm được bố trí để bán rất sôi động. Tuy nhiên, năm nay, thương lái lên mua đào giảm so với năm trước rất nhiều vì tâm lý lo lắng, băn khoăn việc vận chuyển đào từ miền núi về dưới xuôi có bị cấm không. Do vậy, việc kinh doanh, buôn bán đào rất ảm đạm so với những năm trước đây.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng đào để bán, huyện Vân Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã đưa ra các giải pháp, quảng bá, giới thiệu đối với cây đào mà người dân đang canh tác, trồng trên vườn, đồi của địa phương và một số huyện lân cận.
Với người trồng đào, dịp Tết Nguyên đán được xem là vụ thu hoạch chính. Bởi vậy, các cấp chính quyền tỉnh Sơn La luôn nỗ lực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, để họ yên tâm khai thác, kinh doanh và buôn bán đào, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Quang Quyết