Thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng từ 15/6

Một tiết học ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của lớp 12A2 trường THPT Kim Bảng C, Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN
Một tiết học ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của lớp 12A2 trường THPT Kim Bảng C, Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020. Trong đó, thí sinh cần lưu ý một số mốc thời gian quan trọng trong công tác thi và tuyển sinh năm nay.

Thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng từ 15/6 ảnh 1Một tiết học ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của lớp 12A2 trường THPT Kim Bảng C, Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN


Đăng ký dự thi và xét tuyển từ 15-30/6

Theo văn bản hướng dẫn, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển đại học, cao đẳng dự kiến từ 15-30/6.

Đối với xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, thí sinh gửi hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 20/7. Ngày 20/8, các trường công bố kết quả tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Trước ngày 7/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe.

Trước ngày 8/9, các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển dự kiến từ ngày 9/9-16/9 với hình thức trực tuyến và từ 9/9-18/9 với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển đợt 1 dự kiến trước 17 giờ ngày 27/9. Sau khi có thông báo trúng tuyển của trường, thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp để xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 3/10.

Các trường còn thiếu chỉ tiêu xét tuyển bổ sung từ 8/10 đến hết tháng 12/2020.

Công khai đề án tuyển sinh trước 15 ngày

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công bố công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của trường gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường. Các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển các môn văn hóa, các môn thi năng khiếu và các môn thi đánh giá năng lực và các hình thức khác phải thực hiện theo quy định.

Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định.

Đề án tuyển sinh phải xây dựng và công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang Nghiệp vụ với các thông tin trong Đề án (như mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ...). Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống. Trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định; đồng thời các trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án. Đề án phải gửi về Bộ ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của trường.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm