Một giờ ôn tập của học sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Học sinh có thể tự tin với đề tham khảo
Chia sẻ về việc xây dựng đề thi tham khảo lần này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Các bộ phận chuyên môn đã rất nỗ lực, cố gắng để có thể công bố đề thi tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Nội dung đề thi chính thức tới đây sẽ bám sát với đề thi tham khảo đã được công bố. Những nội dung đã tinh giản, không dạy, không học thì không đưa vào đề thi. Các trường Trung học phổ thông, giáo viên yên tâm với định hướng này để tổ chức ôn tập cho học sinh.
Đánh giá tích cực về đề tham khảo, một số giáo viên nhận xét: Đề tham khảo khá cơ bản, bám sát chương trình học nhưng vẫn có câu hỏi để phân loại học sinh.
Từ phân tích đề thi tham khảo môn Vật lý, cô Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường Trung học phổ thông Ban Mai, Hà Nội chia sẻ: Cấu trúc đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (90%), lớp 11(10%). Đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và có độ phân hóa vừa đủ để các trường đại học, cao đẳng lấy căn cứ để tuyển sinh.
Cô Minh Nguyệt lưu ý học sinh cần học tập trung, thật chắc các kiến thức cơ bản, không sa đà, đào sâu vào các câu hỏi khó và phức tạp, trong đó, tập trung nhiều vào nội dung của học kì 1 lớp 12. Học sinh cần tích cực làm đề thi thử để tăng tính cọ sát, biết cách phân bố thời gian làm bài hợp lí và quen với cấu trúc đề thi. Đối với những học sinh có nguyện vọng đạt được điểm 9, 10, học sinh phải thực sự có năng lực và nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập.
Bình luận về đề thi tham khảo môn Ngữ văn, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng: Dạng câu hỏi trong đề nghị luận văn học này quen thuộc với học sinh, vừa giúp kiểm tra kiến thức, kỹ năng viết văn nghị luận, kiểm tra năng lực cảm thụ văn học của các em; đồng thời, có tính phân hóa rất tốt. Ở câu hỏi này, khá dễ dàng để học sinh kiếm mức điểm từ 50% trở lên. Tuy nhiên, muốn đạt điểm cao, thí sinh phải tìm ra mối liên hệ giữa khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính.
Em Trịnh Hồng Ngọc, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho rằng: Đề thi đa phần là kiến thức cơ bản và khá phù hợp trong bối cảnh phải nghỉ học dài do dịch COVID-19. Bên cạnh những câu hỏi dễ, đề vẫn có một số câu nâng cao để phân loại học sinh. Với đề thi này, chúng em tự tin để bước vào kỳ thi sắp tới.
Tuy nhiên, dưới góc độ trường đại học, thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu ý kiến: Mức độ phân hóa của đề thi giữa thí sinh khá, giỏi chưa rõ ràng. Vì vậy, để có thể xét tuyển được vào những trường cần tuyển đầu vào cao, chắc chắn các trường sẽ phải dùng những tiêu chí phụ khắt khe.
Phân loại học sinh để ôn tập hiệu quả
Hiện nay, để xây dựng hướng ôn tập hiệu quả cho học sinh, nhiều trường Trung học phổ thông đã phân công các tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu kỹ đề tham khảo, phân tích cấu trúc, xác lập lại ma trận đề thi để xác định rõ tỷ lệ phần trăm kiến thức ở các khối lớp; số lượng chủ đề trong đề thi; trọng số điểm ở các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Bên cạnh đó, các trường cũng nghiên cứu, rà soát kỹ chương trình giảm tải để xác lập rõ những kỹ năng, kiến thức cơ bản cần tập trung giảng dạy, hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập cho phù hợp; bảo đảm bám sát nội dung chương trình đã giảm tải; chú trọng phương pháp dạy học phân hóa, hướng tới 2 đối tượng học sinh: chỉ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Ngoài ra, các trường cũng dành thời gian tổ chức thi thử để học sinh có cơ hội cọ sát, đồng thời, giáo viên rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp dạy học, ôn tập cho hiệu quả.
Các thầy cô cũng lưu ý: Học sinh cần phải biết rõ mục tiêu của bản thân là chỉ xét tốt nghiệp Trung học phổ thông hay là vào đại học, từ đó, có kế hoạch tự trau dồi, bổ sung các kiến thức cần thiết trong thời gian còn lại. Việc ôn tập phải thật sự nghiêm túc, tránh học tủ, học tràn lan. Học sinh cũng cần tuân thủ và tin tưởng vào hướng dẫn của giáo viên bộ môn trong giai đoạn ôn luyện.
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội cho biết: Khi thi và tuyển sinh có sự thay đổi, nhà trường đã thành lập Ban Tư vấn mùa thi năm 2020 để liên tục cập nhật tin tức mới của kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 và tình hình tuyển sinh của các trường đại học để có sự chuẩn bị, hướng dẫn học sinh học tập phù hợp với phương thức thi và tuyển sinh mới.
Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh tìm hiểu kĩ phương thức tuyển sinh của các trường để có hình thức học tập phù hợp, lựa chọn phù hợp. Việc tập trung ôn luyện, nâng cao kiến thức để tham dự kì thi cuối cấp luôn được học sinh, cha mẹ học sinh và các nhà trường quan tâm.
Ban tư vấn mùa thi của trường không chỉ tư vấn giúp học sinh tự lựa chọn được nguyện vọng như ý, vừa sức, còn cùng với các thầy cô trong trường đồng hành, hướng dẫn học sinh ôn tập nói chung, ôn luyện phù hợp với nguyện vọng thi đại học nói riêng, giúp các em có thêm kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo làm bài thi tốt./.
Việt Hà
TTXVN