Thi sáng tác phác thảo Tượng đài chiến thắng Ngã tư Rạch Kiến

Thi sáng tác phác thảo Tượng đài chiến thắng Ngã tư Rạch Kiến

Ngày 15/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp với Ủy ban nhân huyện Cần Đước tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài chiến thắng tại Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến.

Cuộc thi nhằm tuyển chọn tác phẩm nghệ thuật thể hiện quá trình chiến đấu và chiến thắng của quân và dân Cần Đước - Long An trên Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến; đồng thời, phản ánh những đặc trưng riêng của Cần Đước - Long An về văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên, xã hội.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An là đơn vị tiếp nhận tác phẩm dự và tổ chức chấm giải. Tác phẩm đoạt giải Nhất được đưa vào xây dựng trong khuôn viên khu Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến, có diện tích 14.100m2 thuộc xã Long Hòa (huyện Cần Đước) và được trao thưởng 100 triệu đồng.

Di tích Ngã tư Rạch Kiến là chứng tích của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến - một phương thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của quân và dân Long An trong thời gian trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ, quân đội một số nước đồng minh của Mỹ và quân ngụy quyền Sài Gòn. Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến gồm 8 xã thuộc huyện Cần Đước và hai xã thuộc huyện Cần Giuộc, hình thành thế bao vây quanh căn cứ Mỹ ở Rạch Kiến (nay thuộc thị tứ Rạch Kiến, xã Long Hòa, huyện Cần Đước), khi quân Mỹ đến lập căn cứ vào cuối năm 1966 cho đến năm 1970.

Trong thời gian hơn 1.000 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Long An, Đảng bộ huyện Cần Đước, quân - dân Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, cầm chân, tiêu hao lực lượng địch, hạn chế sự đánh phá của chúng ra xung quanh, giữ vững vùng giải phóng. Đây là sự sáng tạo của quân dân Long An về mô hình lập vành đai diệt Mỹ ở địa bàn đồng bằng đông dân cư.

Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được xem là sự phát triển đỉnh cao của chiến tranh nhân dân chống Mỹ ở Long An. Thế trận chiến tranh nhân dân ở Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là sự gắn kết chặt chẽ của các phương diện đấu tranh như: tổ chức lãnh đạo, bố trí trận địa, sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, các hình thức đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp... để tạo thành hệ thống chiến đấu liên hoàn ở địa bàn bị tạm chiếm vừa khéo léo giữ được thế hợp pháp của quần chúng, tìm ra phương thức thích hợp để bảo vệ dân, giữ được sức người, sức của chiến đấu lâu dài.

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh ở đây là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa 3 mũi: quân sự, chính trị, binh vận, kết hợp lực lượng quân sự với đấu tranh của quần chúng, theo phương châm “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Đặc biệt, trong quân sự, bộ đội và du kích biết dựa vào dân. Dân có ổn định, bộ đội và du kích sống chung với dân, được dân che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng, giúp đỡ thì chiến đấu mới linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và bảo toàn được lực lượng.

Tác phẩm dự thi phải đảm bảo yêu cầu về nội dung tư tưởng nêu trên, đồng thời đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật, kiến trúc như: giàu tính biểu tượng và nghệ thuật, sáng tạo, nhưng vẫn gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với quảng đại quần chúng; không trùng lặp, sao chép ý tưởng những tượng đài đã có, nhằm tạo nên tác phẩm điêu khắc ngoài trời hiện đại, chất liệu bền vững.

Để tôn vinh, giáo dục truyền thống yêu nước của quân và dân trong quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời quảng bá hình ảnh địa phương, góp phần vào sự phát triển của huyện Cần Đước trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Long An phê duyệt Đề án xây dựng Tượng đài chiến thắng tại Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến làm biểu tượng giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 15/12/2023 đến ngày 26/4/2024. Đối tượng tham gia là tổ chức, cá nhân có khả năng, kinh nghiệm trong hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc… trong và ngoài tỉnh Long An.

Đức Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm