Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Tham dự hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ Biên tập xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các chuyên gia tư vấn... Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh sẽ là một trong bốn tỉnh trên cả nước thí điểm triển khai việc chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu khẳng định, việc bảo vệ rừng và phát triển rừng là một biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, dù việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là một vấn đề mới, phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nhưng Quảng Ninh quyết tâm làm thật tốt chủ trương này của Chính phủ. Theo dự thảo, các tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh nhiệt điện than, xi măng sẽ tham gia thí điểm chi trả tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh trên địa bàn. Loại rừng và đối tượng được chi trả gồm: Rừng trồng đặc dụng, phòng hộ; rừng trồng sản xuất gỗ lớn; rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng; rừng ngập mặn. Mức chi trả áp dụng đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than là 4 đồng/kwh điện thương phẩm và 3.100 đồng/tấn clinker đối với các nhà máy sản xuất xi măng (dự kiến tỉnh Quảng Ninh sẽ thu khoảng 121 tỷ đồng/năm). Thời gian thực hiện thí điểm từ quý tiếp theo kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành đến hết ngày 21/12/2020. Các tổ chức tham gia thí điểm sẽ được miễn 2 năm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tính từ năm đầu tiên khi chính sách được áp dụng trong phạm vi toàn quốc… Tháng 1/2011, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đến nay, dịch vụ môi trường rừng chỉ tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là: Thủy điện, nước sạch và du lịch. Một số đối tượng khác như cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hấp thu và lưu giữ các-bon vẫn chưa được áp dụng do thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có căn cứ khoa học và minh chứng thực tiễn trình Chính phủ quy định đối với dịch vụ này thì cần được thử nghiệm tại một số địa phương trước khi ban hành áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Tại hội thảo, các doanh nghiệp nhiệt điện và xi măng trên địa bàn tỉnh đều bày tỏ quan điểm đồng thuận với chủ trương của Chính phủ. Các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất liên quan đến việc triển khai thí điểm, trong đó chủ yếu đề cập đến việc cần có chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đưa kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng vào giá thành bán điện, kéo dài thời gian được miễn chi trả. Ngoài ra, thời gian triển khai thí điểm cần phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh, mức chi trả nên dựa trên lượng khí phát thải cụ thể của từng đơn vị…
Văn Đức