Lý giải về việc cần cấp thẻ hành nghề, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu; trong đó khoảng 1/3 hoạt động tự do. Con số nghệ sĩ bùng nổ tự phát của nhiều thành phần tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước không nắm được số lượng, nhân thân của họ. Và tấm thẻ hành nghề được xem là giải pháp hiệu quả, bởi khi đã ban hành thẻ hành nghề, thì chỉ nghệ sĩ có thẻ mới được phép tham gia trình diễn. Đại diện này cũng kỳ vọng, tấm thẻ hành nghề sẽ phân biệt được “thật - giả” trong giới làm nghệ thuật, sẽ không có những dạng ca sĩ như kiểu Lệ Rơi được phép biểu diễn trên sân khấu. Bên cạnh đó, thẻ hành nghề cũng được kỳ vọng là giải pháp để ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm khi biểu diễn, nhiều người đẹp thi hoa hậu “chui”. “Khi nghệ sĩ vi phạm, cơ quan chức năng có thể thu thẻ hành nghề, khi đó, dù không bị phạt, nghệ sĩ cũng không thể tham gia biểu diễn được nữa”, đại diện này nhấn mạnh.
|
Chính vì những lý do này, mới đây nhất, ngày 16/1/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trình và được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chấp thuận “Dự thảo thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ ở Việt Nam”. Dự thảo quy định rõ: Chỉ người có thẻ hành nghề mới được tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và được nhận thù lao bằng tiền hoặc các quyền lợi vật chất khác. Đồng thời, các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu hát nhép, mặc đồ, hóa trang hoặc có hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam bị “treo” thẻ từ 1 - 24 tháng. Dự thảo được công bố để lấy ý kiến từ tháng 1 đến hết tháng 3/2016. Khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo đã gặp phải những tranh luận trái chiều của những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Những nghệ sĩ có tên tuổi đều lên tiếng phản đối việc mình sẽ... bị quản lý bằng tấm thẻ hành nghề. Ở chiều ngược lại, dư luận lại khá đồng tình, bởi lẽ đây có thể là một giải pháp để chấn chỉnh lại thị trường biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp đang còn rất nhiều lộn xộn, thật giả lẫn lộn hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm hết thời gian lấy ý kiến, cũng là sau khi Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ - CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua; đầu tháng 4 này, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã khẳng định: Bộ đã quyết định bãi bỏ “Dự thảo thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ ở Việt Nam”. Lý do là vì trong Nghị định sửa đổi bổ sung vừa qua không đề cập đến nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ. Và như vậy, sẽ không có cơ sở pháp lý để yêu cầu nghệ sĩ phải có thẻ hành nghề.
Năm 1999, việc cấp thẻ hành nghề đã từng được thực hiện. Với đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, hàng nghìn thẻ hành nghề được cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng chỉ 3 năm sau, Nghị định 59/2002 đã bãi bỏ giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật (cấp cho nghệ sĩ), nên thẻ hành nghề đã không còn hiệu lực. |
Sự việc là như vậy, những tưởng đơn giản là bãi bỏ một dự thảo, tuy nhiên quả thật lại khiến dư luận phải băn khoăn. Bởi lẽ, dù vấp phải sự phản đối của nhiều nghệ sĩ tên tuổi; tuy nhiên với những nhà quản lý văn hóa, thì đây thực sự là giải pháp cần thiết. “Việc cấp thẻ hành nghề sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực biểu diễn. Nếu không cấp thẻ thì trường hợp như Lệ Rơi cũng có thể đi hát, giao lưu với tư cách... “ca sĩ”, một đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chia sẻ. Cũng theo đại diện này, việc có cấp thẻ hành nghề hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, bởi dù không quy định trong Nghị định sửa đổi, bổ sung; nhưng dự kiến sắp tới, Bộ sẽ soạn dự thảo “Luật Nghệ thuật biểu diễn” trình Quốc hội, trong đó sẽ có nội dung về ban hành thẻ hành nghề. Vậy thì, rõ ràng thẻ hành nghề là cần thiết, với một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ trẻ hiện nay và thực sự cần thiết với một thị trường biểu diễn ngày càng thích tạo scandal để nổi tiếng, bằng mọi giá để nổi tiếng hiện nay. Vấn đề là, tại sao tự nhận thấy sự cần thiết của quy định; mà bản thân những người làm luật trong ngành văn hóa lại không “kín kẽ” ngay từ ban đầu, khi trình Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định sửa đổi, bổ sung? Lại một lần nữa, giống như Nghị định 79 vừa ra đã lại thấy cần phải sửa đổi; nên chăng - thay vì loay hoay “vá víu” bằng những quy định bị coi là “giấy phép con” như cách gọi của nhiều nghệ sĩ với thẻ hành nghề; ngành văn hóa cần có tầm hơn trong việc xây dựng hành lang pháp lý của mình. Có thế, mới là bước đầu tiên cho sự chuyên nghiệp của thị trường biểu diễn nghệ thuật Việt Nam.
Báo Tin Tức