Thầy giáo Lê Thanh Liêm không ngừng sáng chế, nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài khoa học. Nguồn:baohaugiang.com.vn
Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài khoa học. Nguồn:baohaugiang.com.vn

Luôn tâm huyết, sáng tạo không ngừng để mang lại cho học sinh những giờ học Vật lý trực quan, sinh động, dễ hiểu nhất, thực hành với những thiết bị thí nghiệm chất lượng, từ đó giúp các em nắm chắc kiến thức và hiểu sâu về nó. Để làm được điều này, thầy giáo Lê Thanh Liêm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang) đã không ngừng tìm kiếm, sáng chế hoặc tích hợp công nghệ vào các thiết bị có sẵn để tăng tính khoa học, giảm chi phí đầu tư mới; đóng góp tích cực vào việc đổi mới chương trình giáo dục.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm không ngừng sáng chế, nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ảnh 1Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài khoa học. Nguồn:baohaugiang.com.vn

Tận tâm với nghề

Trong khoảng 2 năm ấp ủ thực hiện công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” (một trong 3 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng cao nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn trao tặng), thầy Lê Thanh Liêm đã sáng chế, cải tiến được hàng chục thiết bị thí nghiệm, phục vụ giảng dạy.

Thầy Lê Thanh Liêm chia sẻ: Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cấp bách bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Chương trình mới rất cần trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng phương pháp dạy học tiên tiến. Nếu Nhà nước đầu tư tất cả các trang thiết bị mới cho các trường học trên khắp cả nước, chi phí sẽ rất cao, khó có thể giải quyết.

Hàng năm, nhiều trường đều trích kinh phí chi thường xuyên để mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, việc làm này chỉ mang tính “chắp vá”, bởi nhiều trường chưa có đủ kinh phí. Phần lớn giáo viên phải tận dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học được cấp trước đó khá lâu; nhiều hóa chất, dụng cụ dạy học không thể sử dụng được. Đối với những môn học thiếu trang thiết bị, giáo viên thường phải "dạy chay", trong khi nhiều môn học cần dùng phương pháp trực quan, học sinh cần được thực hành, thí nghiệm, quan sát mô hình mới mang lại hiệu quả (như Hóa học, Sinh học…)… Do chỉ "học chay", học sinh khó tiếp cận kiến thức mới, dẫn đến chất lượng dạy và học không đạt hiệu quả cao.

Xuất pháp từ những trăn trở này, cộng với những vấn đề còn bất cập trong quá trình dạy thực hành cho học sinh trong trường, thầy Lê Thanh Liêm đã nung nấu ý định ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ về công nghệ cảm biến vào các thiết bị đồ dùng có sẵn, cải tiến thêm, đồng thời chế tạo thêm các thiết bị mới để phù hợp với xu thế đổi mới.

Nghĩ là làm, bằng tâm huyết với nghề và đặc biệt là với các em học sinh, thầy Lê Thanh Liêm đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu cách thức cải tiến thiết bị. Dù là thầy giáo giỏi, kiến thức vững nhưng thời gian đầu, thầy đã gặp không ít khó khăn khi sản phẩm làm ra chưa phù hợp, phải cải tiến nhiều hơn nữa. Chi phí hỗ trợ không nhiều, thậm chí không có, nhiều lúc thầy tự bỏ tiền mua thiết bị thử nghiệm. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng thầy không nản trí, giữ vững tâm huyết nghiên cứu, xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý”, cho ra đời nhiều thiết bị chất lượng.

Công trình nghiên cứu của thầy Lê Thanh Liêm được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, thực tế, giúp các giáo viên tự ứng dụng công nghệ tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với mỗi môn học, từng vùng miền khác nhau. Việc làm này cũng thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh luôn tư duy, sáng tạo để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với môn học.

Thầy Lê Thanh Liêm chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng, thiết bị dạy và học là việc làm rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm mang đến một không khí học tập thân thiện, hứng khởi; khơi gợi niềm đam mê, hứng thú cho học sinh bằng các thí nghiệm trực quan, sinh động. Việc này còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư; đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị của học sinh và giáo viên trong đổi mới chương trình giáo dục của đất nước...

Không ngừng sáng tạo

Trong các sản phẩm phục vụ giảng dạy đã cải tiến, chế tạo, thầy Lê Thanh Liêm tâm đắc nhất với thiết bị dụng cụ đo áp suất thông minh. Khi chưa có thiết bị đo áp suất của khí quyển và áp suất chất lỏng trong giảng dạy, học sinh hiện chỉ dựa vào các thông số trong sách giáo khoa và các phương pháp tính gián tiếp khác để cho ra kết quả. Thiết bị đo áp suất không khí và chất lỏng của thầy ứng dụng từ mốt ố dụng cụ đơn giản, có khả năng hiển thị kết quả trên điện thoại thông minh thông qua ứng dụng Blynk. Đồng thời, dữ liệu được lưu trên dịch vụ đám mây và có thể gửi về hòm thư điện tử (email) cá nhân, giúp học sinh và giáo viên thuận tiện nghiên cứu.

Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” của thầy Lê Thanh Liêm hiện đang được ứng dụng trong chương trình Vật lý khối Trung học Cơ sở. Trong tương lai, thầy sẽ tiếp tục cải tiến nhiều sản phẩm hơn nữa, đi sâu vào chương trình khoa học tự nhiên và chương trình Vật lý phổ thông của trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018...

Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, thầy Lê Thanh Liêm còn kết nối các học sinh giữa các dân tộc trong nhà trường và tỉnh Hậu Giang; hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài khoa học- kỹ thuật đoạt giải cấp quốc gia.

Bằng nhiều nỗ lực và đóng góp, thầy Lê Thanh Liêm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương là tấm gương tiêu biểu có nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy và học, năm học 2016 - 2017. Tháng 10/2020, thầy được nhận giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri lần thứ Ba. Giải thưởng do Hội đồng Giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan và Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan trao tặng cho những giáo viên xuất sắc của các nước Đông Nam Á đạt đủ các tiêu chí: Tận tâm; có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương; xứng đáng được quốc tế công nhận là tấm gương sáng, có ảnh hưởng đến cộng đồng, tích cực thúc đẩy phát triển giáo dục, sự nghiệp trồng người và hội nhập quốc tế của địa phương…

Thầy Lê Thanh Liêm luôn mong muốn các nghiên cứu, thiết bị của mình sẽ nhận được sự hưởng ứng của giáo viên và học sinh để việc dạy học đạt hiệu quả cao hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục để học sinh phát triển đầy đủ phẩm chất và năng lực, hình thành các thế hệ tương lai có tri thức vững vàng...


Minh Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm