Tháo nút thắt đầu tư cho nông nghiệp

Tháo nút thắt đầu tư cho nông nghiệp
Nhiều rào cản

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết sau thời gian dài được đầu tư phát triển, đến nay chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp. Đặc biệt, hiện chỉ khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hơn 80% nông dân có diện tích đất dưới 1ha và số doanh nghiệp vốn hóa trên thị trường chứng khoán mới chiếm hơn 3%...
 
Tháo nút thắt đầu tư cho nông nghiệp ảnh 1
Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp Việt đang đòi hỏi có sự đầu tư nhiều hơn nữa.

"Những con số trên cho thấy lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là các chính sách để phục vụ cho việc phát triển sản xuất lớn bao gồm đất đai, vốn... vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi đó, quản lý nhà nước về thị trường, dịch bệnh... chưa hoàn chỉnh và lắm rủi ro", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia trong ngành, trước nhu cầu cấp bách phải đổi mới để thích nghi với các điều kiện ngày càng khắt khe trong hội nhập, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đã bộc lộ những nhược điểm mà không dễ khắc phục nếu như không có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp đều gặp những khó khăn về vốn và đều mong mỏi ngân hàng cần thay đổi hình thức cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt căng thẳng về chuyện tài sản thế chấp. Với những dự án có hiệu quả, thay vì phải thế chấp thì nên cho vay theo hình thức tín chấp trên cơ sở thẩm định dự án. 

"Nhiều chính sách ưu đãi cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai, vốn... đã thông suốt từ chủ trương của Chính phủ nhưng khi triển khai xuống các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương lại chưa rõ ràng. Những nghị định, thông tư áp dụng còn vướng mắc, thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Muốn thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chúng ta phải có chính sách ổn định, cũng như thường xuyên được cập nhật để phù hợp với điều kiện, xu thế mới và đảm bảo tính ổn định, lâu dài", ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, cho hay.

Từng bước tháo gỡ 

Theo các doanh nghiệp, thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã có những bước cải thiện đáng kể trong các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết và chọn nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2% đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường. Những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp tín dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã dần tháo gỡ, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận được với ngân hàng. Các trường hợp khó vay được vốn hầu hết thuộc những doanh nghiệp không có sản phẩm giá trị, tình hình tài chính yếu kém, không thuyết trình được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ... 

Mới đây, ông Tiết Văn Thành, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. Theo đó, kể từ tháng 11/2016, các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được Agribank thực hiện ưu đãi cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank; đồng thời Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank. Đây được xem là một động thái kịp thời trong việc tháo gỡ phần nào gút mắc tín dụng cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, cho rằng nông nghiệp chỉ tạo ra được giá trị thặng dư cao khi vai trò chính thuộc về doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân. Vai trò của Nhà nước là sát cánh cùng doanh nghiệp để chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp thông qua những chương trình, chính sách hỗ trợ... Các chương trình, chính sách nên đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp và các hiệp hội, hợp tác xã... Hiện ngành nông nghiệp đã thiết lập được cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý của Bộ thông qua “Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp”. Đến nay, đã có 30 tập đoàn và doanh nghiệp lớn tham gia vào nhóm này, đóng góp những ý tưởng đầu tư theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của ngành và các địa phương. 

"Chúng tôi đang nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó các tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, vận động và kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành, những chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến phát triển nông nghiệp...", ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Có thể bạn quan tâm