Thanh niên vùng biên giới Lai Châu vượt khó khởi nghiệp

Thanh niên vùng biên giới Lai Châu vượt khó khởi nghiệp

Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Lai Châu triển khai, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương.

Cho đất cằn "nở hoa”

Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp tới thăm bản biên giới Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Giữa sự hùng vĩ của núi rừng xanh ngát, chúng tôi ngỡ ngàng trước bạt ngàn sắc trắng khắp sườn non. Xen kẽ giữa cánh rừng, cây sơn tra đang bung hoa nở nuột nà, trắng ngần như tuyết phủ, chúng tôi cảm nhận rõ trong hoang dại núi rừng có một điều gì đó giản đơn mà tao khiết, giống như sự chân chất, mộc mạc và tính kiên trì của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng núi biên cương Tổ quốc.

Thanh niên vùng biên giới Lai Châu vượt khó khởi nghiệp ảnh 1 Mô hình trồng hoa địa lan với 1.000 chậu của anh Hảng A Dơ ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Tới thăm mô hình trồng hoa địa lan và trồng đào của anh Hảng A Dơ (sinh năm 1984, dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ), điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là diện tích đất cằn cỗi trước đây chỉ trồng cây ngô, nay được cải tạo, phủ lên bằng những cây đào tươi tốt và gần 1.000 chậu địa lan...

Anh Hảng A Dơ chia sẻ: Năm 2011, anh quyết định khởi nghiệp, cải tạo toàn bộ quỹ đất cằn của gia đình trước đây chỉ trồng ngô và bỏ không để trồng gần 100 cây đào. Sau một thời gian trồng cây đào thấy hiệu quả nên anh tiếp tục nhân rộng.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, anh Dơ tiếp tục đầu tư vào cây hoa địa lan, bắt đầu trồng 500 chậu. Sở dĩ anh lựa chọn trồng hoa địa lan vì nhận thấy nhu cầu thị trường cao, nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, giống hoa địa lan rất phù hợp với thời tiết mát mẻ ở bản Sin Suối Hồ.

Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng cấp tỉnh, mở ra một hướng đi mới trong phát triển du lịch của bản. Nhận thấy tiềm năng, anh Dơ đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Đoàn Thanh niên để tiếp tục đầu tư mô hình homestay với hơn 30 giường ngủ. Sau một năm anh đã trả hết số tiền vay.

Đến nay, anh Hảng A Dơ có gần 1.000 cây đào và 1.000 chậu địa lan, 3 ha thảo quả và có một ngôi nhà homestay phục vụ hơn 30 khách du lịch. Năm 2020, trừ chi phí anh Dơ thu nhập gần 300 triệu đồng.

Theo anh Dơ, anh thực hiện nhiều mô hình như vậy nhằm tránh rủi ro, tránh được mùa mất giá. Nếu mô hình này không mang lại hiệu quả thì còn có mô hình khác để thay thế. Trồng lan và đào không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, nhưng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, cách chăm sóc tỷ mỷ và phải có tính kiên trì mới làm được. Mọi kỹ năng trồng, chăm sóc cây anh đều tự tìm tòi học hỏi trên mạng và ở các tỉnh khác. Nhờ vậy, các mô hình của anh đều mang lại hiệu quả.

Rời nhà anh Dơ, chúng tôi tiếp tục tới thăm gia đình anh Vàng A Lai (sinh năm 1984, dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ) - một trong những đoàn viên thanh niên đi đầu trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Khi nghe được câu chuyện từ Bí thư Đoàn xã Sin Suối Hồ Sùng A Phùa kể, chúng tôi rất cảm phục trước tư duy dám nghĩ, dám làm cùng sự kiên trì vượt khó của anh Lai.

Anh Vàng A Lai chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực biên giới, thấy cuộc sống của gia đình mình và bà con rất vất vả, quanh năm chỉ trồng một vụ lúa và ngô, thu nhập rất thấp. Mỗi năm chỉ thu được 70 - 80 bao thóc, quy ra tiền mặt cũng không có giá trị lớn. Trăn trở điều ấy, tôi suy nghĩ bản thân phải tìm một hướng đi mới cho bà con để họ có thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống. Nhưng để bà con trong bản làm theo thì bản thân tôi cần phải đi đầu.

Thanh niên vùng biên giới Lai Châu vượt khó khởi nghiệp ảnh 2 Mô hình nuôi lợn của anh Vàng A Lai, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Nghĩ là làm, năm 2012, anh Lai chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa và đất bỏ hoang sang trồng cây đào, hoa địa lan và sơn tra. Một chậu hoa địa lan có thể bán được từ 10 - 20 triệu đồng, số tiền ấy đủ mua gạo cho gia đình ăn cả năm.

Ngoài việc trồng cây, anh Vàng A Lai còn chăn nuôi hơn 30 con lợn, mỗi năm xuất bán hai lứa lợn thịt. Đến nay, gia đình anh có gần 100 chậu hoa địa lan, gần 2 ha sơn tra, 1,5 ha đào và 1 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch. Hiện thu nhập chính của gia đình từ nuôi lợn và trồng hoa địa lan, với hơn 300 triệu đồng/năm.

Với tinh thần tự chủ, nỗ lực vươn lên, trong quá trình thực hiện những ý tưởng của mình, anh vừa làm vừa học hỏi, thất bại ở đâu rút kinh nghiệm ở đó, không nản lòng nhụt chí. Đến nay, mô hình của anh đã ổn định, đem lại thu nhập khá cho gia đình và cũng được nhiều hộ khác trong bản làm theo. Thời gian tới, anh tiếp tục duy trì các mô hình hiện có và xây dựng thêm 10 nhà nghỉ homestay để phục vụ khách du lịch, anh Lai chia sẻ thêm.

Nhờ sự chăm chỉ, tích cực học hỏi kinh nghiệm mà các mô hình khởi nghiệp của thanh niên ở bản Sin Suối Hồ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa cho các hộ gia đình khác trong bản.

Lan tỏa trong thanh niên

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Sin Suối Hồ luôn nhận được sự quan tâm của Huyện Đoàn Phong Thổ và Tỉnh Đoàn Lai Châu về việc khuyến khích đoàn viên thanh niên lập nghiệp. Đoàn Thanh niên xã đã chủ động phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, giới thiệu việc làm, các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó khích lệ thanh niên nâng cao ý thức, khơi dậy phong trào lập thân, lập nghiệp.

Thanh niên vùng biên giới Lai Châu vượt khó khởi nghiệp ảnh 3 Mỗi năm anh Hảng A Dơ, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ thu nhập gần 300 triệu đồng từ trồng đào, hoa địa lan và home stay. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sin Suối Hồ, anh Sùng A Phùa cho biết: Nhờ triển khai bằng nhiều hình thức, đến nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình do thanh niên làm chủ, như trồng địa lan, trồng cây ăn quả, phát triển du lịch cộng đồng, chăn nuôi lợn, nuôi cá tầm… Các mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch, lan tỏa, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia. Hiện nay, gần 100% số hộ gia đình trong bản Sin Suối Hồ nhân rộng mô hình trồng hoa địa lan, hơn 90% số hộ trồng đào, hơn 10 số hộ làm du lịch cộng đồng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng mức thu nhập của bà con lên hơn 30 triệu đồng/người/năm.

“Nhiệm kỳ mới, Đoàn xã Sin Suối Hồ tiếp tục tuyên truyền, vận động thanh niên trong xã phát triển thêm ý tưởng khởi nghiệp; tiếp tục duy trì và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra các bản Chí Sáng, Sùng Mà Pho, Dền Sung, Trung Hồ. Đoàn xã Sin Suối Hồ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn để thanh niên phát triển các mô hình, đem lại hiệu quả cao hơn”, anh Phùa cho biết thêm.

Xác định khởi nghiệp là vấn đề trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lai Châu đã duy trì các tổ tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; tư vấn hướng nghiệp cho 2.500 thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho gần 1.350 thanh niên.

Tỉnh Đoàn Lai Châu đã tổ chức diễn đàn thanh niên khởi nghiệp lần thứ III với chủ đề “Khát vọng vươn lên”; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để có thêm nguồn lực giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay. Đến nay, nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn là trên 583 tỷ đồng; quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn hơn 700 triệu đồng… Nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay của thanh niên đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu Nguyễn Tiến Thịnh cho biết: Lai Châu là một tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với hơn 87% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định khởi nghiệp của thanh niên góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, thời gian tới Tỉnh Đoàn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng khởi nghiệp của thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới; duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình đang có, thể hiện vai trò của tổ chức đoàn đối với các mô hình thanh niên.

Đặc biệt, Tỉnh đoàn Lai Châu sẽ rà soát, tìm kiếm những thanh niên thuộc 4 dân tộc rất ít người (Cống, Mảng, La Hủ, Si La) ở tỉnh; khơi dậy ham muốn khởi nghiệp của các bạn trẻ để thay đổi tư duy, khát vọng vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi tư duy của một bộ phận đồng bào có tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm