Bằng sự sáng tạo và chăm chỉ trong sản xuất, ông Hoàng Như Đốc, phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công mô hình dưới nuôi cá, trên nuôi ếch thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, sản phẩm ếch thương phẩm và cá của gia đình ông Đốc đã được bán ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, tốt nghiệp cấp 3 ông Hoàng Như Đốc đi làm thuê ở nhiều nơi, trong những ngày tháng đi làm thuê ông Đốc đã tìm tòi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế mới để sau này về áp dụng theo. Tình cờ trong lần thăm một cơ sở chăn nuôi ếch, ông đã có ý tưởng tìm tòi, học hỏi để sau này về quê lập nghiệp.
Năm 2013, ông Đốc quyết định về quê lập nghiệp tại quê hương, ông nhập con giống, tận dụng lại diện tích mặt nước của các ao nuôi cá để đầu tư nuôi ếch dưới ao theo hình thức cắm cọc bằng tre luồng. Tuy nhiên, cách làm này vừa vất vả mà lời lãi chẳng đáng là bao, mỗi khi trời mưa lớn làm nước ao dâng cao làm ông Đốc phải lội xuống nâng các lồng ếch lên để tránh làm ếch nhảy đi mất, trong khi tre luồng nhanh mục nát, cứ 1-2 năm là phải thay toàn bộ khung nên rất tốn kém.
Sau những khó khăn khi chăn nuôi, ông Đốc đã nảy ra ý tưởng thực hiện mô hình dưới nuôi cá, trên nuôi ếch thương phẩm với mong muốn tìm ra phương thức chăn nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Ông quyết định dùng lồng bè và căng lưới thả nổi trên mặt nước để nuôi ếch, với cách làm như vậy lồng có thể tự động nâng lên và hạ xuống tuỳ theo mực nước trong.
Bên cạnh đó, nuôi ếch trong lồng bè cũng dễ vệ sinh, hệ thống thùng phi nổi cố định nên nước lên tới đâu, chuồng ếch sẽ nổi lên tới đó giúp cho người nuôi cơ động hơn rất nhiều, dù nuôi ếch theo hình thức nuôi lồng nổi có chi phí đầu tư cao nhưng bù lại có nhiều ưu điểm như chỉ thay lưới một năm 1 lần, dễ nuôi, giảm công lao động, dễ vệ sinh. Đặc biệt, do có hệ thống phao nổi cố định nên lồng bè tự động nâng lên, hạ xuống theo mực nước, từ đó tạo điều kiện cho ếch phát triển tốt nhất, đồng thời tiện dụng về khâu quản lý, chăm sóc, thu hoạch ếch.
Để ếch phát triển tốt, ông Đốc thường vệ sinh, dinh dưỡng đúng cách và phòng bệnh tốt cho ếch, khi cho ếch ăn cần phải rải đều thức ăn với lượng vừa đủ để tránh việc chúng tranh nhau làm trầy xước da hoặc thức ăn dư làm bẩn nguồn nước gây bệnh và thường xuyên thay nước cho ếch. Đồng thời, để phòng dịch bệnh cho ếch, ông Đốc sử dụng tỏi ta xay thành nước, phối trộn tỷ lệ 5 kg bột với 5 lạng tỏi, sau 15 phút cho ếch ăn, cách làm này không chỉ phòng được các bệnh về đường tiêu hóa như chướng hơi đầy bụng, tiêu chảy mà còn tăng sức đề kháng cho ếch.
Ngoài ra, ông còn kết hợp trên nuôi ếch, dưới thả cá trắm, cá rô đầu vuông, cá trê đã tận dụng thức ăn dư thừa, chất thải từ ếch để nuôi cá. Việc tận dụng trên giảm được 50% lượng thức ăn cho cá lại đảm bảo ổn định nguồn nước, môi trường trong ao nuôi.
Nhờ sự chăm chỉ trong sản xuất, ông Đốc đã có 40 lồng ếch với mật độ khoảng 1.000 con/lồng, sản phẩm ếch thịt được ông bán với giá từ 40.000-47.000 đồng/kg, mỗi lứa ếch nuôi khoảng 70 ngày là có thể xuất chuồng, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cũng trong cùng diện tích ao đó, ông Đốc còn kiếm thêm hơn 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi các loại cá, sản phẩm ếch và cá của gia đình ông được bán cho các nhà hàng, đại lý thu mua ếch thịt tại Thanh Hóa và Hà Nội trên 30 tấn ếch thịt mỗi năm.
Thời gian tới, ông Đốc sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, nuôi thêm nhiều giống cá mới và xuất bán sản phẩm cá, ếch ra toàn quốc. Đồng thời, hướng dẫn người dân quanh vùng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để thực hiện theo mô hình này.
Ông Hoàng Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hoá cho biết, việc ông Đốc đã sáng tạo ra mô hình dưới nuôi cá, trên nuôi ếch thương phẩm đã làm thay đổi phương thức chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao giá trị chăn nuôi trên một đơn vị diện tích, đây cũng là mô hình kinh tế điển hình của phường được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra địa bàn, qua đó giúp người nông dân có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam