Thanh Hóa ổn định đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú

Thanh Hóa ổn định đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
Ông Lò Văn Sơ (dân tộc Khơ Mú), Bí thư chi bộ bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát, Thanh Hóa) luôn đi đầu trong các phong trào, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy ước của bản đề ra. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3, ông Sơ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới thời kỳ hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 - 2019. Ông là 1 trong 59 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020. Trong ảnh: Ông Lò Văn Sơ nghiên cứu các tờ rơi để tuyên truyền cho bà con. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Ông Lò Văn Sơ (dân tộc Khơ Mú), Bí thư chi bộ bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát, Thanh Hóa) luôn đi đầu trong các phong trào, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy ước của bản đề ra. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3, ông Sơ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới thời kỳ hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 - 2019. Ông là 1 trong 59 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020. Trong ảnh: Ông Lò Văn Sơ nghiên cứu các tờ rơi để tuyên truyền cho bà con. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đề án trên với số vốn gần 57 tỉ đồng. UBND huyện Mường Lát cũng triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo như Chương trình 135, Nghị quyết 30a để ổn định cuộc sống của người dân tại chỗ, hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Hiện trên địa bàn huyện nhiều công trình đường giao thông và các công trình thủy lợi, nước sạch, các điểm trường, nhà văn hóa đã được xây mới để phục vụ đời sống người dân. Đặc biệt, các mô hình, dự án hỗ trợ người dân tộc Khơ Mú phát triển sản xuất được thực hiện có hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi bò, dự án hỗ trợ giống cây trồng và phân bón, dự án hỗ trợ chăn nuôi gia súc, mô hình trồng rừng đang giúp nhiều người dân tộc Khơ Mú giảm nghèo bền vững.

Tại bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, bằng nguồn vốn của Chương trình 135, Nghị quyết 30a và đề án, trong giai đoạn 2016-2020 UBND thị trấn Mường Lát đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ 163 hộ người dân tộc Khơ Mú phát triển kinh tế; đồng thời làm đường giao thông, hỗ trợ người dân xây dựng nhà. Qua đó nhiều hộ đã có thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Anh Lương Văn Quýnh cho biết: Được sự quan tâm của UBND thị trấn, vào năm 2017, gia đình anh được dự án chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ một con bò trị giá 15 triệu đồng. Sau khi nhận bò, gia đình anh xây chuồng trại, trồng các loại cây ăn quả, nuôi thêm dê, gà. Đến năm 2018, gia đình anh Quýnh trồng thêm 1 ha rừng. Nhờ tuân thủ đúng kĩ thuật được cán bộ nông nghiệp thị trấn chuyển giao, những giống cây trồng, vật nuôi của gia đình đã phát triển và cho thu nhập cao. Hiện gia đình anh có 15 con bò, 2 ha rừng, hơn 2,5 ha ruộng lúa, 8 con dê, thu nhập bình quân của đạt 110 triệu/năm.

Bản Lách, xã Mường Chanh có gần 60 hộ dân với 224 nhân khẩu người dân tộc Khơ Mú, trong đó có hơn 30 hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2019, xã đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về phát triển kinh tế, xây dựng 400 mét đường giao thông, thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Hiện nhiều dự án đang giúp các hộ dân tộc Khơ Mú dần vượt qua đói nghèo; trong đó có gia đình anh Lương Văn An, trú tại bản Lách, xã Mường Chanh. Năm 2016, gia đình anh được UBND xã Mường Chanh hỗ trợ giống cây trồng ăn quả, giống lúa và được chuyển giao khoa học kĩ thuật. Kiên trì, chịu khó phát triển kinh tế, đến nay gia đình anh có trang trại rộng hơn 4 ha, thu nhập mỗi năm đạt 70 triệu đồng. Anh Lương Văn An cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ thôn, bản giúp các hộ dân nghèo quanh vùng tiếp cận khoa học kĩ thuật để cùng nhau thoát nghèo.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ngoài thực hiện đề án trên, UBND huyện Mường Lát triển khai thêm nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác. Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, huyện sẽ có phương án lâu dài để hỗ trợ sinh kế cho người dân, trong đó tập trung nâng cao trình độ dân trí, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình "Vườn - ao - chuồng" cho đồng bào Khơ Mú học tập và làm theo. Huyện cũng sẽ tiếp tục vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những hộ nghèo sẽ được quan tâm cải thiện khó khăn về nhà ở, được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, được sử dụng nước sạch, điện thắp sáng theo chính sách hiện hành.

Ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho hay: Ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt đề án để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chấm dứt tình trạng phát rừng làm nương rẫy du canh, thực hiện việc hỗ trợ người dân tộc Khơ Mú di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các hộ khai hoang đất làm ruộng nước, cân đối chuyển nương rẫy quảng canh thành nương sản xuất định canh, thực hiện kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, đảm bảo mỗi hộ có được diện tích 0,8 ha trở lên đất nương sản xuất ổn định để sản xuất luân canh. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng biên giới ngày càng bình yên.

Với những nỗ lực trên của tỉnh Thanh Hóa, tháng 2/2020 số hộ nghèo người dân tộc Khơ Mú còn khoảng 180 hộ, giảm hơn 50 hộ so với năm 2016. Người Khơ Mú đã có nơi ăn, chốn ở ổn định, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm