Hàng chục năm qua, hơn 800 hộ dân sống tại 11 thôn, thuộc huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) vẫn chưa được dùng điện lưới quốc gia mà chủ yếu phải dùng điện "chui" kéo từ nơi khác về dùng. Theo UBND huyện Lang Chánh, các công trình kéo điện đang xây dở tại huyện thuộc nguồn vốn của Nghị quyết 30a, khi dựng được cột thì dừng lại do thiếu vốn. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Ông Lương Văn Phúc, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết, là huyện miền núi thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của nhà nước, Lang Chánh có địa hình phức tạp, nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều, không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu nhà ở, trường học, cơ sở y tế... Vì thế, để thực hiện hiệu quả đề án và phát triển kinh tế cho nhân dân, huyện Lang Chánh đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động và thu hút đầu tư. Năm 2017, huyện Lang Chánh được tỉnh hỗ trợ 38,2 tỷ để xây dựng 7 công trình gồm đường thôn Poọng đi thôn Khụ (xã Giao Thiện), đường giao thông từ thôn Nê đi thôn Cắm (xã Đồng Lương), Trung tâm văn hoá thể thao xã Quang Hiến... Ngay sau đó, huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng đúng tiến độ để đưa vào hoạt động, đồng thời phân bổ hơn 1,1 tỷ đồng kinh phí cho các xã để duy tu, bảo dưỡng các công trình nhà văn hoá, đường giao thông bị hỏng. Bên cạnh đó, huyện đã huy động cán bộ, công chức đóng góp xây dựng nông thôn mới được 238 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được hỗ trợ cho các xã mua xi măng làm đường giao thông và chuyển trả nợ xây dựng nông thôn mới những năm trước với tổng kinh phí hơn 215 triệu đồng. Để giúp người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới, 135, 30a. Lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đất lúa một vụ sang trồng ngô và cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng đang duy trì vùng sản xuất rau an toàn tại xã Trí Nang, Quang Hiến, thị trấn Lang Chánh với quy mô hơn 6 ha và mở rộng diện tích sản xuất rau, hoa quả an toàn trong nhà lưới theo hướng sản xuất công nghệ cao với diện tích 5.600 m2. Cũng trong năm 2017, huyện đã ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng nâng cao chất lượng và tập trung; thực hiện 4 mô hình chăn nuôi dê và 1 mô hình chăn nuôi thỏ ngọc với kinh phí tại các xã Giao An, Tân Phúc, Lâm Phú, Yên Khương. Tới năm 2018, huyện tiếp tục thực hiện nhân rộng 3 mô hình giảm nghèo gồm 2 mô hình chăn nuôi dê và 1 mô hình trồng bưởi xanh da cam với số hộ tham gia là 74 hộ. Hiện nay, toàn huyện đã có xã Giao An và 6 thôn, bản thuộc các xã Quang Hiến, Lâm Phú, Tam Văn, Yên Khương đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhiều, các đường làng, ngõ xóm đã có thay đổi, đời sống người dân ngày càng ổn định hơn. Tại xã Giao An, công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đã được triển khai sâu rộng, nhiều mô hình sản xuất mới được thực hiện góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ sự chung sức của chính quyền và người dân, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Theo chị Hà Thị Nhung, thôn Viên, xã Giao An, năm 2015 trở về trước, gia đình chị vốn nghèo, từ khi huyện có chính sách giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, chị được cán bộ xã chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất và được hội phụ nữ huyện hỗ trợ nhà mái ấm 50 triệu đồng. Sau khi có nhà, chị đã tích cực phát triển kinh tế, sử dụng kĩ thuật, nguồn vốn được hỗ trợ của chương trình nông thôn mới để phát triển trang trại tổng hợp. Nhờ sự kiên trì trong sản xuất, tới nay chị đã có 1 gia trại gồm 7 ha keo, luồng, kết hợp chăn nuôi trâu, lợn với 10 con, ngoài ra chị còn làm thêm nghề bán vật liệu xây dựng, thu nhập bình quân của gia đình chị khoảng 100 triệu đồng/năm. Ông Phạm Văn Khoa, Phó bí thư Đảng ủy xã Giao An, cho biết: “Năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tới nay các tiêu chí được duy trì. Hiện xã còn 55 hộ nghèo, xã đang tiếp tục hỗ trợ con giống, kĩ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại giúp các hộ phát triển nông nghiệp, giảm nghèo bền vững”. Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, thế nhưng, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế do việc tuyên truyền chưa thể khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân, một số hộ gia đình nghèo đang còn tư tưởng trông chờ trợ cấp của Nhà nước. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đang còn gặp khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức của một số người dân vẫn xem xây dựng nông thôn mới là việc của nhà nước. Thêm vào đó, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh còn ít, trong khi đó nguồn vận động tại huyện rất hạn chế. Theo ông Lương Văn Phúc, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Lang Chánh, thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã thực hiện tốt đề án giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; gắn nông nghiệp với phát công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Đối với xã Giao An đã đạt chuẩn nông thôn mới, phải được duy trì các tiêu chí, các xã còn lại phấn đấu phải có ít nhất 1 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm. Từ đó, làm giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 1.933 hộ. Tính đến tháng 7/2018, tỉnh Thanh Hóa có 1 huyện, 244 xã, 524 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi đó, các chương trình 135,134, 30a cũng đang giúp đời sống người dân tộc thiểu số nâng cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Nguyễn Nam