Thanh Hóa: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất

Thanh Hóa: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Chủ tịch UBND 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, các địa phương phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Khi có tình huống xảy ra, các địa phương tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh (nếu có), không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp…, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các địa điểm nguy hiểm; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cũng như hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố. Về lâu dài, tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng nhà ở, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh thủy lợi, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hư hỏng, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân; triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân.

Từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã có 9 đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, 7 đợt mưa lớn diện rộng và một số đợt mưa lớn cục bộ kèm theo lốc, sét, mưa đá, gây thiệt hại đáng kể về tài sản của nhân dân. Đặc biệt ngày 6/5, tại Hồi Xuân (huyện miền núi Quan Hóa), nhiệt độ không khí đo được lên đến 44,1 độ C - đây là kỷ lục về nhiệt độ không khí. Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn diện rộng, với lượng mưa trung bình đo được từ 50 - 80 mm. Một số nơi đo được lượng mưa lớn như: Trạm Thủy văn Chuối 135 mm; Trạm Thủy văn Ngọc Trà 124 mm; Trạm Thủy văn Cửa Đạt 118mm…

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến hết năm 2023 sẽ có khoảng 7 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó, khu vực Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 6 - 8 đợt mưa lớn và 3-5 đợt lũ tập trung chủ yếu trong tháng 8 và tháng 9. Địa phương đã tổ chức rà soát, tổng hợp dân cư sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải sơ tán trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 74 xã, thị trấn ở 13 huyện với 2.211 hộ và 9.403 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm