Thanh Hóa chủ động ứng phó, đảm bảo sức khỏe cho học sinh vùng cao trong những ngày giá rét

Những ngày qua, do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa thời tiết rét đậm, vùng núi cao rét hại dưới 10 độ C, có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của các em, nhất là học sinh Mầm non và Tiểu học. Các trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó, đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày giá rét.

vna_potal_thanh_hoa_chu_dong_cac_phuong_an_chong_ret_dam_bao_an_toan_cho_hoc_sinh_vung_cao_7195728.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Trung Lý Mường Lát được nhắc nhở mặc ấm khi tới lớp. Ảnh: TTXVN phát

Trường Mầm non Pù Nhi, huyện vùng cao biên giới Mường Lát hiện có 7 điểm trường; trong đó, có một điểm chính và 6 điểm lẻ, với 453 học sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, nhà trường linh hoạt, chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết để cho học sinh nghỉ học, đảm bảo sức khỏe.

Ngày 24/1, thời điểm từ 6-9 giờ, nhiệt độ ở Trường Mầm non Pù Nhi khu chính là 7 độ C, các khu lẻ như Bản Cơm, Bản Pù Ngùa, Hua Pù, Pù Quăn, Cá Nọi là 6 độ C, trời có mưa; khu Pha Đén là 5 độ C, có sương mù và mưa. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời tiết giá rét, Ban Giám hiệu nhà trường thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nghỉ học; đồng thời tuyên truyền tới phụ huynh mặc quần áo, giữ ấm cho trẻ.

Cô giáo Đặng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pù Nhi cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên nắm bắt diễn biến tình hình thời tiết, lên kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ rét để đảm bảo khối lượng kiến thức, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại đơn vị nhà trường.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, ngày 24/1, trên địa bàn huyện có 4 trường Mầm non và 7 điểm lẻ cho học sinh nghỉ học.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, dự báo nhiệt độ tiếp tục giảm sâu, đặc biệt vùng núi trong các ngày tiếp theo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát có công văn đề nghị Hiệu trưởng các đơn vị nhà trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến cán bộ, giáo viên và học sinh; triển khai biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại phù hợp đơn vị, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh.

vna_potal_thanh_hoa_chu_dong_cac_phuong_an_chong_ret_dam_bao_an_toan_cho_hoc_sinh_vung_cao_7195727.jpg
Ngành giáo dục Thanh Hóa đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương chủ động, linh hoạt cho học sinh nghỉ học tránh rét khi nền nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: TTXVN phát

Các nhà trường không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.

Đơn vị, trường học căn cứ diễn biến thời tiết thực tế tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn, đặc biệt điểm trường lẻ. Trường hợp nhiệt độ dưới 10 độ C, các nhà trường chủ động, linh hoạt cho học sinh Mầm non và Tiểu học nghỉ học, dưới 7 độ C có thể cho học sinh Trung học Cơ sở nghỉ học.

Tại huyện vùng cao Bá Thước, các đơn vị trường học chủ động ứng phó diễn biến của thời tiết. Các nhà trường, đặc biệt là trường có điểm lẻ chủ động sửa chữa kịp thời phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Nhà trường căn cứ diễn biến của thời tiết, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và các em. Cùng với phòng, chống rét cho học sinh, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục Bá Thước tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn cho học sinh tại các trường học bán trú, nội trú trên địa bàn.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước cho biết, ngày 24/1, trên địa bàn huyện có 3 điểm trường chủ động cho học sinh nghỉ học. Phòng đang theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo về thời tiết, chủ động hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh thực hiện biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại. Căn cứ điều kiện thời tiết thực tế hằng ngày, các trường chủ động báo cáo Bộ phận phụ trách chuyên môn, điều chỉnh thời gian học phù hợp. Các hoạt động giáo dục ngoài trời, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa... được điều chỉnh để đảm bảo sức khỏe cho học sinh; không tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở có chỉ đạo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, đặc biệt huyện vùng cao chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh. Các cơ sở giáo dục, đặc biệt cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, lớp, điểm trường lẻ, địa bàn khó khăn đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, sửa chữa kịp thời phòng học, phòng học chức năng… đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Trong ngày 24/1, nhiều địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét…

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm