40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng:

Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả - Bài 6

Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả - Bài 6
Bài 6: Sự phản bội của phái “Khmer Đỏ” và quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam Năm 1975, trải qua chặng đường đấu tranh lâu dài với biết bao hy sinh, gian khổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) kết thúc thắng lợi vẻ vang. Nhưng ngay sau đó, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan đại diện cho phái “Khmer Đỏ” lên cầm quyền ở Campuchia, được sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài, đã phản bội cách mạng.
Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “cánh đồng chết” Choeung Ek, cách Thủ đô PhnomPenh khoảng 17km về phía Nam. Choeung Ek là hố chôn người khổng lồ và kinh hoàng nhất trong số gần 100 mồ chôn tập thể trên khắp đất nước Campuchia. Ảnh: TTXVN
Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “cánh đồng chết” Choeung Ek, cách Thủ đô PhnomPenh khoảng 17km về phía Nam. Choeung Ek là hố chôn người khổng lồ và kinh hoàng nhất trong số gần 100 mồ chôn tập thể trên khắp đất nước Campuchia. Ảnh: TTXVN
Về đối nội, các lãnh đạo Khmer Đỏ dựng lên cái gọi là “mô hình chủ nghĩa cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”, đề ra chủ trương, chính sách “cải tổ toàn diện” đi ngược lại sự phát triển của xã hội loài người: đuổi hết nhân dân thành thị về nông thôn, cưỡng bức lao động khổ sai trong các trại tập trung “công xã”; xóa bỏ hệ thống chợ buôn bán, trao đổi tiền tệ; phá hủy các nhà thờ, chùa chiền; phá hủy trường học, đốt sách vở, giết hại giáo viên, thành phần trí thức; hủy diệt mọi giá trị văn hóa truyền thống... Với mô hình không giống ai, đầu óc dân tộc hẹp hòi và sự cuồng vọng rất khó lý giải, lực lượng Khmer Đỏ đã thẳng tay tàn sát chính đồng bào mình bằng các thủ đoạn, phương pháp hết sức man rợ. Chỉ trong hơn 3 năm cầm quyền (tháng 4/1975-1/1979), tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary​ - Khieu Samphan đã giết hại trên 3 triệu người dân Campuchia (chiếm 50% tổng dân số), tạo ra tội ác diệt chủng chưa từng có trong lịch sử, đẩy cả quốc gia - dân tộc đến bên bên bờ vực thẳm. Về đối ngoại, phái Khmer Đỏ lợi dụng những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, kích động thù hằn dân tộc, công khai chống phá cách mạng Việt Nam - người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung vừa góp phần xương máu làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Campuchia. Thực hiện âm mưu đề ra từ trước, đầu tháng 5/1975, các lãnh đạo Khmer Đỏ ra lệnh cho quân đội tiến hành những cuộc khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam: đánh chiếm đảo Phú Quốc (03/5/1975), đánh chiếm đảo Thổ Chu (10/5/1975), lấn chiếm nhiều vùng đất khác dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh... Từ tháng 4/1977, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan quyết định tiến hành các cuộc xâm lấn quy mô lớn, thường xuyên tổ chức các trung đoàn, sư đoàn tiến công lãnh thổ Việt Nam, tiến hành cướp bóc, tàn phá làng mạc, giết hại dân thường.
Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Trước âm mưu và hành động thù địch của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan, Đảng và Nhà nước Việt Nam vừa chỉ đạo quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam kiên quyết đập tan mọi cuộc tiến công xâm lấn; đồng thời, kiên trì, chủ động thực hiện các biện pháp đàm phán, mong muốn giải quyết hòa bình xung đột. Nhưng đáp lại thiện chí đó, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan lại tăng cường điều động quân đội áp sát biên giới, chờ đợi thời cơ phát động chiến tranh. Ngày 22/12/1978, chúng huy động 19 trên tổng số 23 sư đoàn bộ binh cùng nhiều binh chủng khác mở cuộc tiến công toàn diện vào lãnh thổ Việt Nam, hướng mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bảy Núi (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang), tạo bàn đạp phát triển cho các bước tiếp theo. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, có sự chuẩn bị từ trước, nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thành quả cách mạng. Lực lượng ta trên toàn mặt trận bao gồm 3 quân đoàn chủ lực (2, 3, 4) phối hợp cùng lực lượng vũ trang ba quân khu (5, 7, 9), tổng cộng 25 vạn quân.

Sau 9 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ ngày 23/12 - 31/12/1978), bằng các đòn phản công dũng mãnh, quyết liệt, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt, làm tan rã đại bộ phận quân địch, đập tan cuộc tiến công xâm lược của chúng, kết thúc thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, mở ra thời cơ thuận lợi cho lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, xây dựng lại đất nước./.
Hồ Khang/TTXVN
Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 07/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Nhân dân Campuchia tham dự Lễ mừng chiến thắng 07/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Hai giai đoạn của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam: Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kéo dài gần hai năm, quân Pol Pot giết hại và bắt hơn 30 nghìn dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, 400 nghìn người dân mất nhà cửa, trên 3 nghìn nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá.
 
*Giai đoạn 1 và 3 cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam: Trong giai đoạn 1 (30/4/1977-5/1/1978) của cuộc chiến, với dã tâm xâm lược, quân Pol Pot liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam:
 
- Ngày 30/4/1977, chúng đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất của ta, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. 

- Từ ngày 25/9/1977, quân Pol Pot tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. 

- Ngày 15/11/1977, quân Pol Pot lại mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh.Từ 5/12/1977 đến 5/1/1978, quân ta mở đợt phản công truy kích quân Pol Pot sâu vào đất Campuchia 20-30km, đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Giai đoạn 2 - Xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam: Trong giai đoạn 2 (6/1/1978-7/1/1979) của cuộc chiến, tập đoàn phản động Pol Pot tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, Quân tình nguyện Việt Nam mở cuộc tổng phản công và cùng quân dân Campuchia tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
 
- Từ ngày 26/3/1978, các đơn vị Quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pol Pot lùi xa dần biên giới và dồn đối phương vào thế bị động, đối phó. 

- Ngày 22/12/1978, quân Pol Pot huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta; quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới.

- Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.

- Ngày 6/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnom Penh. 

- Sau hai ngày tổng công kích, ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.Ngày 8/1/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. 

- Ngày 17/1/1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng, phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia…
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm