Tại Thái Nguyên, người dân sẽ được giảm 50% lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đây là giải pháp của tỉnh nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của địa phương.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được giảm 50% mức thu đối với 6 loại lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn là: lệ phí đăng ký cư trú; lệ phí hộ tịch và lệ phí cấp Chứng minh nhân dân; lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh; lệ phí cấp giấy phép xây dựng; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện tỉnh hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính (1.231 thủ tục) đủ điều kiện lên mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Thái Nguyên; trong đó, có 1.072 dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, 115 dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và 44 dịch vụ công trực tuyến cấp xã. Tỉnh đã tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% hồ sơ, thủ tục phát sinh cấp tỉnh, huyện được số hóa. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên toàn tỉnh đạt 67,8%.
Bà Chu Thị Anh Hương, Chuyên viên Sở Y tế, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên cho biết, hồ sơ đã được số hóa thành bản điện tử giúp tiện lợi khi rà soát, xử lý, tiết kiệm thời gian. Hiện tại, bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục trực tuyến, các chuyên viên tại Trung tâm phục vụ hành chính công cũng hướng dẫn người dân lập tài khoản, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ có trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đồng thời, địa phương phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau bao gồm cả thiết bị di động; đến năm 2030, có trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên cho biết, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính của địa phương. Đặc biệt, việc giảm 50% lệ phí sẽ góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí đi lại, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, cán bộ, viên chức tiếp nhận giải quyết công việc được nâng cao trình độ nghiệp vụ, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự thống nhất cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thái Nguyên tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để vận hành, khai thác hệ thống "một cửa" điện tử và dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của tỉnh. Các cấp chính quyền quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại bộ phận “một cửa” cấp huyện, xã để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; phục vụ nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tích cực quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động của 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số, trong đó có dịch vụ công trực tuyến.
Trần Trang