Thái Nguyên: Phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Cán bộ kỹ thuật của HTX chè Thịnh An kiểm tra sâu bệnh của vùng chè thâm canh theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Cán bộ kỹ thuật của HTX chè Thịnh An kiểm tra sâu bệnh của vùng chè thâm canh theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên đã xác định phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm chè, quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, quế, sản phẩm gỗ.

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha; xây dựng vùng cây ăn quả có diện tích cây na 1.530 ha, hơn 2.300 ha cây nhãn, khoảng 2.370 ha trồng bưởi; phát triển đàn lợn đạt 750.000 con, sản lượng 110.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 4.400 tỷ đồng.

Thái Nguyên: Phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực ảnh 1Cán bộ kỹ thuật của HTX chè Thịnh An kiểm tra sâu bệnh của vùng chè thâm canh theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Cùng với đó, tỉnh cũng dự kiến nâng tổng đàn gà lên hơn 15 triệu con, sản lượng thịt hơi trên 52.000 tấn, sản lượng trứng 450 triệu quả; đưa diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt hơn 2.400 tỷ đồng; phát triển diện tích trồng quế đạt 6.500 ha, giá trị của cây quế đạt trên 2.700 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất đạt 420 triệu đồng/ha/chu kỳ...

Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng mới 1.100 ha chè, trồng thay thế 1.050 ha, đạt diện tích 23.500 ha, giống mới chiếm 85% với cơ cấu giống chè trồng mới, thồng thay thế gồm chè Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, LDP1, TRI777...

Bên cạnh đó, Thái Nguyên thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây ăn quả tập trung ở các vùng Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên, bố trí hơn 2.700 ha đất từ đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả khác hiệu quả thấp, vườn tạp, đất rừng sản xuất chuyển đổi sang chuyên canh na, bưởi, nhãn; đẩy mạnh liên kết sản xuất các loại quả đặc sản theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, xây dựng website, kênh bán hành trực tuyến kết nối người sản xuất với người tiêu dùng..

Đáng lưu ý, trong phát triển chăn nuôi, tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, trang trại ở các huyện có quỹ đất rộng như Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Thị xã Phổ Yên…

Các địa phương trong tỉnh phát triển chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chiếm 70% tổng đàn, thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành về hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm.

Đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000, rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất nhằm phát triển kinh tế rừng.

Riêng với cây quế, ngoài việc duy trì 2.700 ha rừng quế hiện có tại huyện Định Hóa, tỉnh tiến hành trồng mới 3.800 ha tại Định Hóa và Võ Nhai, xây dựng mới nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây quế tại huyện Định Hóa công suất 10.000 tấn nguyên liệu/năm...

Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể hóa chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, trước mắt tỉnh rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phục vụ kế hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có cơ chế chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng sang trồng chè và cây ăn quả.

Mặt khác, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các trung tâm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường...

Qua thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đối với cây chè hiện đã nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và Thái Nguyên là tỉnh có diện tích cũng như sản lượng chè lớn nhất cả nước.

Năm 2020 giá trị sản xuất chè ước đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, là sản phẩm hiện đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP.

Về cây ăn quả, hiện diện tích na, nhãn, bưởi của toàn tỉnh đạt 4.460 ha, sản lượng 30.840 tấn, giá trị sản xuất trên 430 tỷ đồng; 2 sản phẩm “Nhãn Phúc Thuận” và “Na La Hiên” đã được cấp nhãn hiệu tập thể và từng bước phát triển thành sản phẩm OCOP.

Trong phát triển chăn nuôi, năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi của toàn tỉnh ước đạt 88.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 3.696 tỷ đồng, chiếm 40,4% trong cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi;,có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và tiềm năng xuất khẩu; sản lượng thịt gà hơi ước đạt 45.300 tấn, sản lượng trứng gà đạt 405 triệu quả; giá trị sản phẩm gà đạt trên 4.00 tỷ đồng...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm