Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng trung du và miền núi Đông Bắc

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng trung du và miền núi Đông Bắc

Thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi Đông Bắc với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Tỉnh phấn đấu trung bình đón trên 3,2 triệu lượt khách/năm, có ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, xây dựng tối thiểu 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn và văn hóa dân tộc thiểu số, tạo việc làm cho 16.000 lao động, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm...

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng trung du và miền núi Đông Bắc ảnh 1Các vận động viên tranh tài tại giải đua thuyền Cup Canoeing toàn quốc năm 2020 tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Để đạt các mục tiêu này, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hình thức xã hội hóa như PPP, BOT, BT trong đầu tư hạ tầng du lịch.

Tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch, trọng yếu có tính kết nối liên tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch với các tuyến du lịch hiện có và các điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến - quảng bá du lịch trong từng giai đoạn và hàng năm để kêu gọi xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở nước ngoài bằng nhiều hình thức; liên kết với các địa phương đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thái Nguyên như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… để tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch.Thái Nguyên cũng đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư và triển khai đầu tư tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc để hình thành điểm du lịch hút khách cho cả tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí.

Tỉnh tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại khu vực Đông Tam Đảo nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn hỗ trợ các sản phẩm du lịch khác; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh dựa trên các khu điểm di tích, di sản sẵn có, tạo sức hút du khách…

Thái Nguyên chủ trương phối hợp, liên kết với các chương trình, đề án, dự án đang triển khai của các ngành, lĩnh vực khác để cùng phát triển như: Chương trình nông thôn mới; chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP); sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, trong giai đoạn 2015 - 2020, du lịch Thái Nguyên đã có những bước phát triển cả về lượng khách, doanh thu và sản phẩm du lịch. Các khu du lịch đáp ứng định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gồm du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc và ATK Định Hóa; sản phẩm du lịch lịch sử về nguồn, tâm linh, du lịch cộng đồng, nông thôn, trải nghiệm vùng chè và văn hóa trà...

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng trung du và miền núi Đông Bắc ảnh 2Đến với xã Tân Cương, Thái Nguyên, du khách có thể đi dạo trên cây cầu nổi giữa nương chè xanh biếc, đội nón, đeo gùi đi hái chè cùng người dân bản địa. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp, trước mắt đáp ứng được nhu cầu cơ bản của du khách; thị trường du lịch được mở rộng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch từng bước được nâng cao. Ngành Du lịch từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh...

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển du lịch Thái Nguyên vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả còn thấp, nội dung chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp; nguồn lực đầu tư cho xúc tiến, quảng bá còn hạn hẹp.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng chung của ngành Du lịch, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng khách du lịch, tổng thu du lịch còn thấp; mức chi trả và số ngày lưu trú của khách còn thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; các khu, điểm du lịch phát triển chậm, thiếu những khu du lịch cao cấp. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy, chưa xây dựng được mô hình đối tác công – tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm