Thực hiện Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”, ngày 29/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Học viện Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình kỹ năng giao tiếp tiếng Mông trong công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và 4”. Chương trình có sự tham gia của các bộ, ban ngành và địa phương, cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia quan tâm đến vấn đề dạy và học tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân tộc nêu quan điểm: Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và 4 của cấp huyện, xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Việc nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, điều này cần nhận được sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phải có tiếng nói, sự thấu hiểu và đồng thuận cao từ cơ sở, từ chính những cán bộ công, chức viên chức đang tham gia công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề đã được các đại biểu trao đổi làm rõ như: Những nội dung, chủ đề, kỹ năng giao tiếp tiếng Mông trong công tác dân tộc cho cán bộ công chức, viên chức; giá trị văn hóa, yếu tố tâm lý tộc người trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng tiếng Mông; thuận lợi, khó khăn trong bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức hiện nay; giải pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Mông trong công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, thực tế hiện nay, đa số cán bộ, công chức đến vùng dân tộc, miền núi gặp không ít khó khăn trong công tác cũng như trong sinh hoạt, mà nguyên nhân chính là do không biết tiếng nói và chưa am hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số. Do vậy, việc nâng cao, cập nhật kiến thức về dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoành, Viện Ngôn ngữ học cho rằng, để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Mông cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trực tiếp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải thực hiện việc biên soạn tài liệu dạy tiếng dân tộc. Tuy nhiên, việc biên soạn này cần phải xét đến yếu tố phương ngữ phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Đồng bào dân tộc Mông ở nước ta cư trú từ các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc đến các tỉnh vùng Tây Nguyên với sự khác nhau về tên gọi và tiếng nói.
Hiện nay, chương trình bồi dưỡng tiếng Mông cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được triển khai ở một số tỉnh trong cả nước như Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa… Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Quỳnh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, do không có sự thống nhất trong thực hiện, nên chương trình chưa mang lại hiệu quả cao, thậm chí còn nhiều bất cập. Điều đó cho thấy cần phải có khung chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất.
Nhiều quan điểm của các chuyên gia đã làm rõ các nội dung như: Xác định các loại kiến thức ngôn ngữ học trong chương trình bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp tiếng Mông cho cán bộ, công chức, viên chức; các phương ngữ tiếng Mông và vấn đề biên soạn tài liệu dạy, học tiếng Mông cho cán bộ công chức viên chức; đề xuất cấu trúc bài học trong chương trình bồi dưỡng kỹ năn giao tiếp bằng tiếng Mông…
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 1.500 hộ người dân tộc Mông với khoảng 10.000 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu tập trung tại các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa và Đồng Hỷ. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định hơn, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Cơ sở hạ tầng cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Qua đó, đồng bào dân tộc Mông vững niềm tin theo Ðảng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Thu Hằng