Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trong giai đoạn 2023 - 2025 mỗi giảm 2% số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đưa 8 trong số 15 xã đặc biệt khó khăn hiện nay ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, giảm 25 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...

Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn để tập trung hỗ trợ, thu hút thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án và các nội dung thành phần của chương trình. Cùng với nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình; trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng các tiêu chí nông thôn mới, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn...

Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2Mô hình sản xuất chè an toàn tại xã nông thôn mới kiểu mẫu La Bằng, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Thảo Nguyên - TTXVN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2023 để thực hiện chương trình hơn 663 tỷ đồng, phân bổ giao dự toán ngân sách địa phương hơn 95 tỷ đồng. Việc thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bó trí dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị... được các địa phương triển khai theo đúng kế hoạch. Chỉ từ đầu năm đến nay, 46 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, các địa phương khởi công xây dựng 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa đã xây dựng hồ sơ liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với khoảng 13 chuỗi...

Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 3Mở đường lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở xã Kim Phượng, huyện Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Nhìn chung, chương trình đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 90% xã có bác sĩ, 100% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình, có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân...

Thái Nguyên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 4Sản phẩm chè an toàn của HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Hoàng Thảo Nguyên - TTXVN

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm